Kêu gọi các nước ASEAN tăng lương tối thiểu
(Dân trí) - Nhìn nhận chi phí lao động giá rẻ có thể là yếu tố cạnh tranh ban đầu, Thủ tướng Thái Lan đề nghị nâng mức lương tối thiểu của khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài.
Chiều 17/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.
Cùng thảo luận với Thủ tướng có Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Chủ tịch Hạ viện Philippines Ferdinand Martin G. Romualdez, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và đông đảo đại diện các nước, vùng lãnh thổ và các tập đoàn, doanh nghiệp là thành viên của WEF.
Chia sẻ về thành tựu phát triển của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 yếu tố.
Một là đoàn kết thống nhất trong đa dạng. Hai là phát huy tính tự lực, tự cường của nội khối và của từng nước. Ba là thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, lấy người dân làm chủ thể, trung tâm, mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Trước những cơ hội phát triển mới như quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng, Thủ tướng cho rằng đó là xu thế tất yếu dựa trên quy luật về cạnh tranh, quy luật cung cầu.
Ông nhấn mạnh các nước chỉ có thể duy trì sự phát triển bền vững khi lựa chọn cách tiếp cận cùng thắng, tôn trọng sự lựa chọn của mỗi quốc gia, xây dựng lòng tin dựa trên sự chân thành, đoàn kết và cân bằng lợi ích.
Chia sẻ với những phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Thái Lan đánh giá cao gợi ý về việc cùng Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam liên kết phát triển du lịch "4 quốc gia 1 điểm đến".
Thủ tướng Thái Lan cho rằng chi phí lao động giá rẻ có thể là yếu tố cạnh tranh ban đầu, song cũng là thách thức đối với sự phát triển của các nước ASEAN. Ông kêu gọi các nước cùng chung tay nâng mức lương tối thiểu của khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với xu thế chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kinh tế số cần gắn liền với kinh tế xanh, có sự hỗ trợ và tác động qua lại lẫn nhau. Quá trình này phải được triển khai theo lộ trình, với những bước đi phù hợp với năng lực của từng quốc gia; phát triển nhanh và bền vững, không hy sinh công bằng và an sinh xã hội.
Thủ tướng đưa ra tầm nhìn về ASEAN trong 5-10 năm tới sẽ là một khối đoàn kết, thống nhất và là tâm điểm tăng trưởng của kinh tế thế giới - nơi mà các nền kinh tế phát triển không bỏ ai ở lại phía sau.
Các diễn giả tại phiên thảo luận đánh giá cao vai trò của Việt Nam xây dựng đoàn kết trong ASEAN và đóng góp trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Với ASEAN, các diễn giả cho rằng khu vực này đã trở thành một hình mẫu điển hình về hội nhập kinh tế, với nỗ lực chung của các nước thành viên trong việc đẩy mạnh hợp tác, giao lưu kinh tế nội khối về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, từng bước tiến đến hình thành thị trường chung và nền tảng sản xuất chung.
Các nước ASEAN đã xây dựng lòng tin vững chắc giữa các quốc gia, vượt qua những khác biệt về kinh tế, chính trị, văn hóa để trở thành một khối hợp tác vì sự thịnh vượng, theo nhận định của các diễn giả.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng ASEAN có môi trường đầu tư thân thiện và là điểm đến mà các nhà đầu tư, đối tác cùng có lợi. Theo đó, chuỗi cung ứng đang phi tập trung hóa, theo hướng chuyển sang một số quốc gia ASEAN như một phần của quá trình "tái toàn cầu hóa".