Kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nga
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nga M.V. Mishustin đã ký thông cáo chung về kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nga và cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác.
Báo Dân trí trân trọng giới thiệu toàn văn thông cáo chung về kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga M.V. Mishustin đã thực hiện chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 1 năm 2025.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 30 tháng 1 năm 1950).
Tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ M.V. Mishustin đã đến chào Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Thủ tướng Chính phủ M.V. Mishustin đã đặt hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ, đặt hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Nga M.V. Mishustin đã chủ trì cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu hai nước.
Trong bầu không khí thân tình và hữu nghị, hai bên đã trao đổi sâu rộng về nhiều nội dung và phương hướng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nga trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ và nhân văn, quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, giao thông - vận tải, du lịch và các lĩnh vực khác. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên ủng hộ tăng cường trao đổi theo các kênh đảng, quốc hội, giữa các bộ, ngành và thúc đẩy hợp tác giữa địa phương.
Phía Nga ghi nhận những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Phía Việt Nam đánh giá cao thành tựu tích cực của Nga trong ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.
Hai bên ghi nhận quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nga đang không ngừng phát triển trên cơ sở cùng có lợi nhờ việc trao đổi, tiếp xúc chính trị, đặc biệt là ở cấp cao nhất, được duy trì thường xuyên.
Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin (từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 6 năm 2024), cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Nga V.V. Putin dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng (ngày 24 tháng 10 năm 2024), cũng như chuyến thăm chính thức Nga của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn (từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 9 năm 2024) đã tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng kỷ niệm những ngày lễ lớn trong lịch sử hai nước và trong quan hệ Việt Nam - Nga, trong đó có lễ kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga (ngày 30 tháng 1 năm 1950), kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước (ngày 30 tháng 04 năm 1975), kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Nga (ngày 09 tháng 5 năm 1945), 80 năm Ngày Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam (ngày 2 tháng 9 năm 1945).
Hai bên đã trao đổi và nhất trí về các biện pháp tăng cường hợp tác thương mại song phương, trong đó có việc tận dụng hơn nữa các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh kinh tế Á - Âu và các quốc gia thành viên, mà hai Bên sẽ kỷ niệm 10 năm ngày ký kết trong năm nay (ngày 29 tháng 5 năm 2015-ngày 29 tháng 5 năm 2025), cũng như cần tăng cường cung cấp hàng hóa cho thị trường của nhau.
Hai bên thống nhất cần phát triển hệ thống giao thương đường sắt và đường biển, vận tải hàng hóa đa phương thức. Hai bên ghi nhận sự cần thiết của việc nghiên cứu các phương thức thanh toán phục vụ các hoạt động thương mại và giao dịch song phương khác.
Hai bên nhất trí cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý song phương nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Hai bên ghi nhận nỗ lực của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật và các bộ, ngành hai nước đã thống nhất, ký kết các văn kiện hợp tác trong chuyến thăm và hoan nghênh việc tiếp tục trao đổi, đàm phán các văn kiện hợp tác mới trong thời gian tới.
Hai bên thống nhất tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án dầu khí chung trên thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Liên bang Nga, phù hợp với pháp luật hai nước và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hai bên ghi nhận việc phía Liên bang Nga cung cấp dầu và khí hóa lỏng tự nhiên cho Việt Nam và các thành phẩm chế biến, phát triển các dự án điện mới, bao gồm các dự án điện năng lượng tái tạo là hướng hợp tác triển vọng.
Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Nga sẵn sàng tham gia xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân quốc gia của Việt Nam.
Hai bên ghi nhận hoạt động ổn định của liên doanh lắp ráp xe GAZ của Nga tại Đà Nẵng, trong đó một phần sản phẩm được xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ mọi mặt hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam - Nga, một cơ sở có vai trò quan trọng trong phát triển hợp tác khoa học và công nghệ song phương.
Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo công dân Việt Nam tại các trường đại học Nga trong khuôn khổ hạn ngạch do Chính phủ Nga cấp và hoạt động của Mạng lưới các trường Đại học Kỹ thuật Việt-Nga; quyết định đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thành lập tổ chức giáo dục phổ thông giảng dạy bằng tiếng Nga tại Hà Nội.
Hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam, trong đó có việc sử dụng Phân viện tiếng Nga mang tên Puskin tại Hà Nội, đồng thời với việc tăng cường, mở rộng nghiên cứu giảng dạy tiếng Việt tại Nga.
Hai bên coi trọng phát triển hợp tác trong lĩnh vực y tế, bao gồm cung cấp trang thiết bị y tế, dược phẩm, đào tạo cán bộ, y học hạt nhân và các nội dung khác mà hai bên cùng quan tâm.
Hai bên ghi nhận vai trò của giao lưu nhân dân trong phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Nga; hoan nghênh tăng cường trao đổi nhân văn, thường xuyên tổ chức các ngày văn hóa quốc gia, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim và các hoạt động tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước thông qua các tổ chức hữu nghị, truyền thông và các tổ chức xã hội. Hai bên ủng hộ tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa thủ tục đi lại cho công dân hai nước.
Hai bên hài lòng ghi nhận việc nối lại các chuyến bay thẳng thường xuyên và thuê chuyến đã góp phần làm tăng lưu lượng khách du lịch giữa hai nước. Hai bên cho rằng việc hợp tác bổ sung các điểm đến và tăng số lượng các chuyến bay là phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân hai nước. Hai bên hoan nghênh các cơ quan hữu quan hai nước tăng cường trao đổi để thúc đẩy hợp tác kết nối giao thông giữa Việt Nam và Nga, cũng như phát triển hệ thống giao thông Việt Nam.
Hai bên ghi nhận quan hệ giữa các địa phương có tiềm năng rất lớn và luôn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Nga, tăng cường hợp tác giữa địa phương sẽ đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước và cần được chuyển thành các dự án hợp tác song phương cụ thể. Hai bên phản đối việc sử dụng các biện pháp hạn chế đơn phương, việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, chủ nghĩa bảo hộ và áp dụng trị ngoại pháp quyền, vi phạm các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc.
Hai bên nhấn mạnh tính phổ quát và toàn diện của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương, khẳng định cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước. Hai bên sẽ phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở.
Hai bên ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và hoan nghênh các nỗ lực sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực.
Hai bên ủng hộ việc hình thành cấu trúc toàn diện và bền vững trong quan hệ giữa các quốc gia ở châu Á, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền, độc lập, không liên minh và luật pháp quốc tế. Nhấn mạnh tầm quan trọng và ủng hộ tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các vấn đề khu vực và tái khẳng định cam kết đối với Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976.
Hai bên hoan nghênh tăng cường trao đổi, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, gồm Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế của ASEAN như Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, cũng như hoan nghênh các sáng kiến trong các khuôn khổ này nhằm thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, công bằng và bền vững, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, mở rộng không gian và cơ hội cho sự phát triển tự do và thành công của các quốc gia và hiệp hội.
Hai bên bày tỏ sẵn sàng hợp tác cùng có lợi và hiệu quả trong khuôn khổ APEC, một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, tập trung thực hiện các tầm nhìn và ưu tiên của APEC, giải quyết các vấn đề thực tiễn, đặc biệt chú trọng thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến của nhau, bao gồm khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch diễn đàn này năm 2027.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần đầu tiên (tại Kuala Lumpur năm 2005) và hoan nghênh ý nghĩa kỷ niệm 20 năm Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga trong năm nay, nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nga, đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị phối hợp soạn thảo văn kiện hợp tác mới cho giai đoạn 5 năm tới, cũng như chương trình chiến lược về hợp tác thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Liên bang Nga, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, sản xuất sử dụng hàm lượng khoa học và công nghệ cao, chuyển đổi số và thành phố thông minh. Hai Bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn kinh tế hàng đầu ở châu Á như Hội nghị Cấp cao Đầu tư và Kinh doanh ASEAN và Diễn đàn Kinh tế Phương Đông.
Hai bên hoan nghênh tăng cường quan hệ đối tác của ASEAN với Liên minh kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) dựa trên Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Ủy ban kinh tế Á-Âu năm 2018, cũng như Bản ghi nhớ giữa Ban thư ký ASEAN và Ban thư ký SCO năm 2005, thúc đẩy hình thành một không gian hòa bình, ổn định, an ninh bình đẳng và không chia tách, tin cậy, phát triển và thịnh vượng ở Đại lục địa Á-Âu.
Phía Nga hoan nghênh sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các sự kiện của BRICS năm 2024 và bày tỏ sự sẵn sàng tạo điều kiện nếu Việt Nam tham gia BRICS với tư cách là nước đối tác.