1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kết nối đồng bộ số liệu giữa môi trường, tài nguyên nước, khí tượng

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nâng cấp phần mềm Quản lý số liệu quan trắc tự động nhằm hướng đến sự kết nối đồng bộ số liệu giữa các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn.

Tại cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều qua 10/4, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, từ năm 2018 trên cơ sở kế thừa và phát triển phần mềm Quản lý dữ liệu quan trắc, phần mềm Quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động (Envisoft) đã được xây dựng.

Phần mềm Envisofl được triển khai xây dựng với định hướng phát triển công nghệ mới hiện nay như xử lý dữ liệu lớn tốc độ cao (Big data), máy học, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tích hợp và triển khai tiên tiến (Docker), nền tảng công nghệ live streaming hỗ trợ tích hợp các camera theo thời gian thực và phải tiếp nhận, quản lý được số liệu của hàng nghìn trạm quan trắc tự động, liên tục.

Kết nối đồng bộ số liệu giữa môi trường, tài nguyên nước, khí tượng - 1

Phần mềm Quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động sẽ được nâng cấp, kết nối với lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn.

Đến nay, Tổng cục Môi trường đã chuyển giao phần mềm cho 57 Sở  Tài nguyên và Môi trường các địa phương trên cả nước và đều được các Sở đánh giá cao trong việc hỗ trợ tiếp nhận dữ liệu của các doanh nghiệp, quản lý, giám sát, cảnh báo và truyền dữ liệu về Bộ.

Đến nay phần mềm đã kết nối, tiếp nhận số liệu của 698 trạm quan trắc tự động, liên tục bao gồm: 526 trạm phát thải của doanh nghiệp, 69 trạm quan trắc môi trường nước mặt và 58 trạm quan trắc không khí xung quanh.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường còn thực hiện xây dựng Ứng dụng khai thác, sử dụng số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục trên nền tảng di động, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nhu cầu về thông tin chỉ số chất lượng môi trường không khí tới cộng đồng. Đây được coi là công cụ đắc lực cho các nhà quản lý khi thực hiện thanh kiểm tra, giám sát hoặc tra cứu dữ liệu quan trắc tự động liên tục.

Theo kế hoạch, quý II/2020 Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục chuyển giao phần mềm Envisoft tới 6 địa phương còn lại. Trong các năm tiếp theo sẽ nâng cấp và mở rộng các chức năng mới đáp ứng công tác quản lý nhà nước về môi trường, như tính toán lan truyền ô nhiễm, dự báo, cảnh báo… cho phần mềm Envisoft.

Đánh giá cao tính thiết thực của phần mềm Envisoft, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân yêu cầu trong thời gian tới phải nâng cấp hoàn thiện phần mềm để đáp ứng tốt hơn công tác quản lý trước mắt và lâu dài. Thậm chí có thể tính đến việc tích hợp cả cơ sở dữ liệu các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và khí tượng thủy văn, viễn thám.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn phản ánh, ngành khí tượng thủy văn đang có hơn 1.000 trạm quan trắc tự động. Để đảm bảo sự chính xác của số liệu, cần có quy định, quy chuẩn về việc xử lý số liệu, chuẩn hóa số liệu khi cung cấp về trung tâm và chuyển đến người dân.

Chính vì thế, để tích hợp với dữ liệu chất lượng môi trường không khí cần lựa chọn một số thông số ảnh hưởng đến phát tán ô nhiễm không khí để đưa vào như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió…

“Chúng tôi sẵn sàng cùng Tổng cục Môi trường xây dựng một bản đồ phân vùng dự báo, trước mắt tập trung cho các thành phố, đô thị lớn, khu du lịch, khu công nghiệp”- ông Cường nói.

Kết nối đồng bộ số liệu giữa môi trường, tài nguyên nước, khí tượng - 2

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước thông tin, trong khoảng 6.700 giấy phép xả nước thải có 350 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và cấp phép. Các cơ sở này đều lắp đặt quan trắc tự động nên đều dễ dàng kết nối truyền dữ liệu trực tiếp.

Cuối cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, nâng cấp phần mềm Quản lý số liệu quan trắc tự động nhằm hướng đến sự kết nối đồng bộ số liệu giữa các lĩnh vực: môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn. Từ đó làm cơ sở để đưa ra dự báo môi trường, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.

Đề xuất thời gian dự trữ khoáng sản không quá 50 năm

Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt, ông Đỗ Cảnh Dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, cơ quan này đã bố cục thành 5 chính sách liên quan đến thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, cơ sở pháp lý để đầu tư các dự án, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản và trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có liên quan.

Riêng về vấn đề thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, Tổng cục đề xuất 2 phương án: Phương án 1, tối thiểu 25 năm nhưng không quá 50 năm; phương án 2, tối thiểu 25 năm và không quy định thời gian tối đa. Trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn, cơ quan này đề nghị lựa chọn phương án 1.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản tiếp tục rà soát để đảm bảo dự thảo nghị định phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như quản lý hiệu quả các hoạt động liên quan đến bảo vệ khoáng sản dự trữ quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời không chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, dễ hiểu cho mọi đối tượng khi áp dụng và có tính khả thi.

Thế Kha