1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kết luận điều tra thứ 4 “y tội” Bùi Tiến Dũng tham ô 2,7 tỷ đồng

(Dân trí) - Bản kết luận điều tra mới nhất về vụ án xảy ra tại PMU18 trong quá trình thi công cầu Bãi Cháy được ký đúng 1 ngày (10/7) trước khi bị can Phạm Tiến Dũng đột tử. Một lần nữa, cả Dũng “con” lẫn Dũng “tổng” đều dính án tham ô tài sản.

Đây là bản kết luận điều tra thứ 4 sau nhiều lần các cơ quan công tố trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung các chứng lý buộc tội đối với 11 bị can.

Theo đó, ngoài các thao tác bổ sung thủ tục xử lý về Đảng, lệnh bắt khẩn cấp, biên bản về việc bắt người… đối với một số bị can như yêu cầu của VKSND tối cao, CQĐT cũng phải làm rõ hơn quan điểm buộc tội với Tổng Giám đốc PMU18 Bùi Tiến Dũng.

C37 (Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng - Bộ CA) khẳng định, 3 bản kết luận điều tra trước (ngày 7/5/2008, ngày 5/9/2008 và ngày 26/12/2008) đã nêu rõ: Bùi Tiến Dũng không thừa nhận có chủ trương cho Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng PID6) và một số cán bộ phòng này thông đồng cùng các nhà thầu BC1, BC2, BC3 lập khống danh sách một số nhân viên tư vấn bổ sung để lấy tiền chia nhau và chi phí. Dũng “tổng” cũng không được Dũng “con” chia tiền hàng tháng.

Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của 2 bị can này cùng với Nguyễn Vũ Nam, Nghiêm Phú Sơn (Phó phòng PID6), Nguyễn Công Dũng (chuyên viên phòng PID6), Đỗ Kim Quý (Phó tổng GĐ PMU18) cùng những tài liệu, vật chứng thu được, đủ kết luận hành vi phạm tội của Dũng “tổng”, cụ thể:

Từ tháng 8/2003 đến tháng 11/2005, Dũng “tổng” ký 41 chứng chỉ thanh toán trong đó có hơn 2,7 tỷ đồng tiền lương nhân viên tư vấn bổ sung khống. Dũng “tổng” chỉ đạo Trưởng phòng PID6 Phạm Tiến Dũng thuê máy móc, thiết bị thi công lát vỉa hè xung quanh trụ sở PMU18 hết 120 triệu đồng.

Dũng “tổng” cũng chỉ đạo Dũng “con” đứng ra lo chi phí cho đoàn bạn học của mình học lớp bồi dưỡng tại Hạ Long hết 100 triệu đồng. Việc chi bồi dưỡng 500 triệu đồng cho cấp phó Đỗ Kim Quý khi nghỉ hưu cũng là do Dũng “tổng” lệnh cho Dũng “con”.

Với những tình tiết đó, CQĐT khẳng định đủ căn cứ kết luận Bùi Tiễn Dũng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền của Nhà nước do bị can được giao quản lý để sử dụng chi tiêu cho cá nhân và những người mà Dũng “tổng” quan tâm. C37 bảo lưu quan điểm cho rằng Bùi Tiến Dũng phạm vào tội tham ô tài sản với số tiền 2,7 tỷ đồng.

Về vai trò của các bị can khác trong vụ án, C37 cũng cho rằng, các bị can đã thông đồng tham ô hơn 3 tỷ đồng để chia nhau và chi phí. Trong số tiền đó, trưởng phòng PID6 Phạm Tiến Dũng và các cán bộ trong phòng đã trích hơn 675 triệu đồng cho vào các việc lát vỉa hè quanh trụ sở, thanh toán cho một số nhân viên có đi làm thật tại hiện trường, mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm, tiếp khách.

Xác định số tiền này các bị can không chia nhau chiếm hưởng cá nhân nên C37 đề nghị xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho các bị can.

Với việc Phạm Tiến Dũng chết trong quá trình điều tra, luật sư của bị can cho biết các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải đình chỉ vụ án phần liên quan đến Dũng, không đặt vấn đề xét xử đối với bị can. Phần lời khai của Dũng “con” liên quan đến hành vi của các bị can khác vẫn được sử dụng trong việc định tội các bị can này nếu phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác.

Việc chấm dứt trách nhiệm hình sự với Phạm Tiến Dũng, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết, về nguyên tắc không chấm dứt trách nhiệm bồi thường của bị can. Vấn đề này phụ thuộc vào việc cơ quan tố tụng có xem xét trách nhiệm dân sự cũng như xác định phần tài sản để lại của bị can. Nếu có, khoản tài sản để lại này vẫn sẽ được kiểm soát để đối trừ nghĩa vụ của bị can.

Luật sư Bách cho biết, đến nay, gia đình Phạm Tiến Dũng đã có đơn xin không khám nghiệm tử thi, đưa thi thể bị can về lo việc hậu sự. 

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm