1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kết hôn đồng giới, không thể xử phạt

“Tôi cho rằng không thể xử phạt được họ, đấy là quyền của họ. Việc xử phạt ở đây chẳng có căn cứ gì cả. Do vậy quy định xử phạt người kết hôn đồng giới là không khả thi”.

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự (ĐH Luật Hà Nội), khi trao đổi với Tiền Phong về quy định xử phạt kết hôn giữa những người cùng giới tính trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

 

Kết hôn đồng giới, không thể xử phạt

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc xử phạt kết hôn đồng giới vừa bất khả thi, vừa vi phạm quyền con người (Trong ảnh: Kịch đồng tính nữ “Được là chính mình” của đạo diễn Bùi Như Lai. Ảnh: Toan Toan.

 

Vô căn cứ

 

Dự thảo Nghị định (đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/7/2013) sẽ thay thế một số nghị định, trong đó có Nghị định 87/2001/NĐ-CP, hướng dẫn Luật HN&GĐ năm 2001.

 

Điều 46 của dự thảo Nghị định quy định về “Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng”, về cơ bản không có thêm nội dung mới so với quy định hiện hành, chỉ tăng gấp đôi mức phạt từ 100.000 - 500.000 đồng lên 200.000 - 1.000.000 đồng và có thêm hình thức phạt cảnh cáo (Nghị định 87 chỉ có phạt tiền).

 

Nghị định 87 ra đời cách đây 12 năm, lúc đó giá trị đồng tiền khác bây giờ, nên việc tăng gấp đôi mức phạt không phải là dấu hiệu cho thấy luật pháp đang “trừng phạt” hôn nhân cùng giới nặng lên. Bởi nó cũng áp dụng tương tự với nhiều trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn khác.

 

Nhiều người vẫn nhầm tưởng cho rằng chung sống hay tổ chức lễ cưới giữa những người đồng giới là vi phạm pháp luật. Chẳng có điều luật nào cấm họ tổ chức lễ cưới

 

TS Nguyễn Văn Cừ

Vấn đề ở đây là dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định xử phạt “Kết hôn giữa những người cùng giới tính” (Khoản e Điều 46) từ 200.000 - 1.000.000 đồng.

 

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đây là một dạng chế tài không thể áp dụng được trong thực tế, không có căn cứ, vì người cùng giới rất khó “qua mặt” chính quyền để đăng ký kết hôn. Nếu hai người đồng tính dắt nhau đi đăng ký kết hôn thì chỉ có thể từ chối chứ không phạt được họ.

 

Nếu họ đăng ký được (trong trường hợp cải trang và làm giả giấy tờ), thì cũng chưa biết người bị phạt lúc này là họ hay là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận.

 

“Việc phạt những hành vi khác như tổ chức đám cưới, lễ tiệc của cặp đôi đồng tính là không đúng. Như trường hợp xử phạt cặp đôi ở Hà Tiên vào tháng 5/2012, chính quyền đã nhầm lẫn giữa kết hôn và tổ chức tiệc, áp dụng pháp luật là không có căn cứ”- luật sư Bách khẳng định.

 

Và vi phạm quyền con người

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc chung sống giữa những người đồng tính là vấn đề xã hội, không nên phản bác, quay lưng lại với họ. Cộng đồng người đồng tính ngày càng có xu thế mở rộng với nhu cầu được kết hôn và chung sống với nhau ngày càng tăng lên.

 

“Họ không phải là những người bệnh hoạn như một số người nói, họ cũng là con người. Hiện pháp luật chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng theo tôi, trong tương lai pháp luật phải công nhận. Đấy là nhu cầu tự thân và cũng là quyền của người ta. Theo tôi, nên đưa ra một quy định cảnh báo hay nhắc nhở họ. Nếu quy định phạt là cứng nhắc, chưa tính đến thực tiễn xã hội”- ông Sơn đề xuất.

 

TS Nguyễn Văn Cừ, một chuyên gia luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cũng không ủng hộ việc xử phạt kết hôn đồng giới. Ông Cừ nói, pháp luật Việt Nam không cấm những người này quan hệ, chung sống với nhau. Đây là vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân, hai người đồng tính muốn ăn ở với nhau thì đó là quyền tất nhiên của họ. Hiện chỉ còn quyền về mặt pháp lý là Nhà nước chưa thừa nhận.

 

“Nhiều người vẫn nhầm tưởng cho rằng chung sống hay tổ chức lễ cưới giữa những người đồng giới là vi phạm pháp luật. Chẳng có điều luật nào cấm họ tổ chức lễ cưới. Có thể không cho họ kết hôn nhưng họ được quyền chung sống- như thế thì làm sao xử phạt được họ”- TS Cừ nhấn mạnh, và đề nghị bỏ quy định xử phạt người đồng tính.

 

TS Cừ còn cho biết, ngay ở Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng quy định: “Mọi người có quyền sống” (Điều 21); “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới” (Khoản 3 Điều 27). Điều này thể hiện rõ quyền con người, trong đó có cả người đồng tính.

 

“Chúng tôi yêu nhau sao lại bị phạt”

 

“Ngoại tình là việc mang tính chất vi phạm đạo đức, còn người đồng tính yêu thương và đến với nhau bằng tình yêu thì không thể gọi là vi phạm và phạt nặng được. Tình yêu đồng tính chẳng làm hại tới ai cả, đó là chuyện riêng của hai con người, việc phạt những con người yêu nhau thật là vô lý” - một người đồng tính nữ, 18 tuổi.

 

Cặp đôi đồng tính Công Khanh - Thái Nguyên.
Cặp đôi đồng tính Công Khanh - Thái Nguyên.

 

“Bộ Tư pháp đang xem xét mở rộng quyền cho người đồng tính trong tiến trình sửa đổi Luật HN&GĐ và được nhiều người đồng tính hoan nghênh. Tuy nhiên nếu quy định xử phạt như trong dự thảo Nghị định thì nhiều người đồng tính thấy con đường để đi tới sự bình đẳng vẫn còn rất dài. Hy vọng Bộ sẽ có quy định pháp luật hợp tình hợp lý hơn như Bộ trưởng Hà Hùng Cường từng tuyên bố là sẽ không tạo ra thêm định kiến với người đồng tính” - đồng tính nam, 25 tuổi.

 

“Tôi thấy không nên phạt hôn nhân cùng giới vì thiết nghĩ không có lý do gì để phạt. Không lẽ phạt hai người đồng tính làm đám cưới vì họ gây mất trật tự giao thông do người ta đứng nhìn rồi gây tắc nghẽn sao? Thế giới đang tiến dần với việc hôn nhân bình đẳng thì Việt Nam sinh điều luật phạt hành chính này là một bước lùi” - đồng tính nam, 27 tuổi.

H.L (ghi)

 

Theo Hoàng Long

Tiền Phong