1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Kéo vợ” trên cổng trời

Theo phong tục, khi chàng trai kéo thì cô gái phải chống đối, càng chống đối thì gia đình càng hạnh phúc, càng nhiều con cái.

Từ Dào San, con đường quanh co, uốn lượn như dải lụa vắt qua những dãy núi trùng điệp đưa chúng tôi lên xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu.

 

Tới nơi cũng vừa lúc trời tối, từng tốp thanh niên đang trò chuyện rôm rả. Ghé vào ngôi nhà phía đầu bản Sì Choang, sau khi nghe giới thiệu, anh chủ nhà năm nay ngoài 45 tuổi, tên Lý Phủ Vảng nhiệt tình mời tôi ở lại.

 

Bên bếp lửa bập bùng, sau vài chén trà ấm, tôi mở lời hỏi về tập tục kéo vợ của đồng bào nơi đây. Vừa nhâm nhi chén trà xanh, anh Vảng cho biết: “Tục kéo vợ của người Dao đỏ có từ rất lâu đời rồi, thủ tục cũng đơn giản thôi: những đôi trai gái đến tuổi cập kê phải lòng nhau, hẹn hò ở trên rừng, trên đường, hay phiên chợ rồi chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo về nhà mình.

 

Theo phong tục, khi chàng trai kéo thì cô gái phải chống đối, càng chống đối thì gia đình càng hạnh phúc, càng nhiều con cái. Tuy nhiên, vẫn còn một số đám kéo vợ đôi trai gái chưa có sự tìm hiểu trước hay sự đồng ý của cô gái mà các chàng trai gặp là “bắt” về nhà”.

 

Tục lệ kéo vợ có tự khi nào? Chẳng ai biết, người đời trước truyền cho người đời sau phong tục này. Hầu hết các chàng trai người Dao ở Vàng Ma Chải đều kéo vợ khi muốn lập gia đình. Thời đại ngày nay, việc kéo vợ của người Dao đã có nhiều đổi mới, phù hợp với điều kiện cuộc sống, xã hội.

 

“Kéo vợ” trên cổng trời - 1

Hầu hết các chàng trai người Dao ở Vàng Ma Chải đều kéo vợ khi muốn lập gia đình.

 

Để giúp tôi tận mắt chứng kiến phong tục độc đáo này, anh Vảng bảo cậu con trai năm nay 18 tuổi tên Siểu, dẫn tôi đi xem kéo vợ.

 

Siểu phấn khởi nói: “Ngày mai không chỉ xem, anh nhớ giúp một tay kéo bạn gái em về nhé”.

 

Như đã hẹn, từ sáng sớm, Siểu đã diện bộ trang phục dân tộc truyền thống cùng vài người bạn đợi tôi ngoài cửa.

 

Siểu nói: “Hôm nay, em rủ anh và bạn đi kéo giúp người yêu em ở xã Mồ Sì San về. Em đã thông báo với bố mẹ rồi, hôm nay sẽ kéo con dâu về nhà”.

 

Qua vài người bạn của Siểu, tôi được biết: Lý Y Siểu sinh ra và lớn lên ở mảnh đất bản Sì Choang, còn Lý San Mẩy – người yêu Siểu lại lớn lên từ bản Xéo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San. Hai người đều là dân tộc Dao và cũng đến tuổi cập kê. Họ quen nhau trong một lần tình cờ chàng trai đi thăm họ hàng bên xã cô gái.

 

Chỉ mới lần đầu gặp nhau con mắt đã ưng, cái lòng đã thuận và tình yêu đã nảy nở giữa hai người. Ngày tháng trôi qua, tình cảm của đôi trai gái ngày càng thắm đượm, họ đã thề nguyền cùng chung sống bên nhau suốt đời và hẹn ngày đến “kéo về”.

 

Sau nửa tiếng đi xe máy, tại địa điểm cũ hai người thường hẹn nhau, Siểu dặn chúng tôi phải núp đi và khi có tín hiệu thì chạy đến giúp.

 

Như đúng kế hoạch đang lúc tâm sự thì chúng tôi nhận được lệnh đến giúp Siểu kéo cô Mẩy về nhà trai. Sự giằng co quyết liệt giữa 2 bên, cô gái cố vùng vẫy, các chàng trai dồn hết sức kéo cô gái về. Siểu và các bạn đã thành công khi đưa được Mẩy về nhà Siểu.

 

Lúc này mẹ Siểu đứng đợi sẵn ngoài cửa đón cô gái. Ngày hôm đó nhà trai mổ gà thiết đãi con dâu, cô gái phụ giúp mẹ nấu cơm cho gia đình.

 

Theo “cái lý” của người Dao thì chàng trai luôn phải bên cạnh cô gái canh không cho cô gái trốn về nhà và ngày hôm sau gia đình chàng trai phải đến thông báo cho nhà gái biết con gái họ đang ở nhà mình.

 

“Kéo vợ” trên cổng trời - 2
Anh Lý Phủ Vàng và vợ chuẩn bị quần áo cho con dâu

 

Để chuẩn bị cho ngày kéo vợ, gia đình chàng trai chuẩn bị cho con trai và con dâu quần áo, vòng bạc, dây cúc bạc để khi con dâu mới về biết được rằng cô cũng được bố mẹ chồng quan tâm, yêu thương như con đẻ.

 

Ba ngày sau, nếu cô gái đồng ý làm vợ mình thì chàng trai mang một con gà, chai rượu ngon sang nhà bố mẹ vợ thông báo và xin phép đưa gia đình nhà mình sang bàn chuyện kết hôn.

 

Còn ngược lại, nếu cô gái không đồng ý thì chàng trai phải thả cho cô gái về rồi đợi đến mùa xuân năm sau đi kéo tiếp.

 

Ông Lý Phủ Hành - Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải, cho biết: “Xã có tổng số 541 hộ với 3.184 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Dao và Hà Nhì sống đoàn kết, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 90%. Trước đây, các chàng trai thấy cô gái mình thích ở đâu thì kéo bằng được cho dù cô gái không đồng ý.

 

Hiện nay, đôi trai gái được tự do tìm hiểu và tự quyết định hôn nhân của mình. Khi đôi trai gái gặp gỡ, tìm hiểu nhau, ưng thuận họ sẽ về báo cáo với bố mẹ, dòng họ biết việc sẽ lấy cô gái đó làm vợ. Trong thực tế kể cả bố mẹ nhà trai hay nhà gái không đồng ý cuộc hôn nhân thì đám cưới vẫn được diễn ra và phải chấp nhận đôi vợ chồng này”.

 

Hôn nhân chính là kết quả của tình yêu tự nguyện đến với nhau, cũng có những cuộc kéo vợ đã không thành khi có sự ép buộc của bên phía chàng trai đối với cô gái.

 

Song nhìn về phía tích cực, các cuộc “kéo vợ” đều chứa đựng những yếu tố nhân văn khẳng định thêm cho tình yêu mãnh liệt, khát vọng về một gia đình hạnh phúc.

 

Theo Phương Ly

 Báo Lai Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm