Đắk Nông:
Kênh thủy lợi 90 tỷ "độn thổ", chảy qua ruộng mà không cấp nước cho ruộng
(Dân trí) - Kiểm tra thực tế, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông bất ngờ: "Lần đầu tiên tôi thấy một công trình thủy lợi nằm sâu dưới đất. Đặc biệt, kênh thủy lợi chạy qua ruộng nhưng lại không cấp nước cho ruộng".
Sáng 29/3, Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Nông đã trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát việc xây dựng kênh dẫn nước dự án Công trình thủy lợi Suối Đá xã Quảng Hòa (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông).
Điều đáng nói là công trình có đoạn kênh "độn thổ", bị vùi lấp dưới đất, nằm song song, cách mặt ruộng 3m nhưng lại không cấp nước cho ruộng, khiến nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp của người dân tại khu vực này rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng.
Từ phản ánh của cử tri và thông tin đại chúng, HĐND tỉnh Đắk Nông nhận được thông tin việc thiết kế, xây dựng kênh mương dẫn nước Công trình thủy lợi Suối Đá có nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế. Kênh nằm sâu dưới đất nên người dân không thể lấy nước trực tiếp để phục vụ sản xuất.
Tại buổi kiểm tra, ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (Ban Nông nghiệp) cho biết: Công trình thủy lợi Suối Đá (xã Quảng Hòa) có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Hiện công trình đã thi công được khoảng 95% khối lượng công trình, thanh toán hơn 70 tỷ đồng.
Liên quan đến việc kênh dẫn nước "độn thổ", nằm cách mặt ruộng khoảng 3m, chủ đầu tư kiểm tra tình hình thực tế, khi thi công kênh N4 có khoảng 6 ha đang trong giai đoạn chín. "Diện tích này không nằm trong diện tích tưới tự chảy của dự án… Sau khi dự án hoàn thành, số diện tích cần tưới phải dùng bơm động lực, điều này phù hợp với phương án thiết kế", lãnh đạo Ban Nông nghiệp khẳng định.
Trước thông tin "Dự án kênh thủy lợi 90 tỷ không vì mục tiêu tưới cho cả cánh đồng", đoàn giám sát của HĐND tỉnh Đắk Nông phản biện: "Không thể nào kênh dẫn nước đi qua ruộng lúa, nhưng không cung cấp nước cho ruộng. Bỏ gần 100 tỷ thực hiện dự án mà không phục vụ cho người dân thì cần xem xét lại".
"Qua kiểm tra, giám sát chúng tôi nhận thấy rất nhiều bất cập. Tuy nhiên, để kết luận thì phải xem xét, đánh giá hồ sơ. Thế nhưng, bằng cảm quan, đoàn công tác đều nhận thấy, ruộng nằm ngay kênh nước mà không có nước thì không hiểu thiết kế kiểu gì. Gần 100 tỷ đồng bỏ ra có đạt được mục tiêu phục vụ hơn 1.000 ha đất sản xuất? ", đoàn kiểm tra của HĐND tỉnh Đắk Nông bức xúc.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Y Quang B'Krông, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định: Nhu cầu tưới tiêu của người dân địa phương là rất lớn. Đánh giá chung, người dân chưa được hưởng lợi, nhất là khi Quảng Hòa còn là xã đặc biệt khó khăn, khí hậu khắc nghiệt.
"Lần đầu tiên tôi thấy một công trình thủy lợi mà nằm sâu dưới đất như thế. Nếu khi đưa vào vận hành, hệ thống tắc hay gặp sự cố thì chúng ta phải xử lý như thế nào? Ngoài ra, không thể nói ruộng đồng không nằm trong quy hoạch nên không cấp nước. Kênh chạy qua ruộng mà ruộng không có nước thì rất bất hợp lý và cần phải xem lại" - ông Y Quang B'Krông nhấn mạnh.
Trước đó Dân trí đã phản ánh, tháng 12/2017, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Công trình thủy lợi suối đá xã Quảng Hòa (Đắk G'Long) với tổng kinh phí 90 tỷ đồng.
Theo đó, dự án được xếp vào nhóm dự án cấp bách và thực hiện không quá 5 năm, từ năm 2016 đến 2020. Mục tiêu là tạo nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong vùng. Đặc biệt, xã Quảng Hòa- 1 trong số các địa phương có tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông.
Theo tính toán ban đầu, dự án sẽ bảo đảm cung cấp nước tưới cho 1.000 ha cây nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên thành 2 vụ trong năm. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho 1.750 hộ dân trong khu vực.
Thế nhưng, cuối tháng 3/2021, Công trình thủy lợi Suối Đá vẫn chưa thể hoàn thành. Hàng chục hecta lúa, cây công nghiệp của người dân địa phương hai bên kênh đang lâm vào tình cảnh héo rũ và "chỉ mới trời mới cứu được". Từ kỳ vọng 2 vụ/ năm, người dân xã nghèo Quảng Hòa đang phải đối diện nguy cơ cả năm không làm được vụ nào.