1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Kênh rạch ngập rác

(Dân trí) - Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, hầu hết kênh rạch trong khu vực nội thành TPHCM bị san lấp, lấn chiếm. 76km kênh rạch còn lại cũng đang bị che lấp mỗi ngày bởi hàng trăm tấn rác.

Kênh rạch ngập rác  - 1
Dòng kênh hay "dòng rác"?
 
Đi dọc các tuyến kênh như kênh Nước Đen (Tân Phú, Bình Tân), kênh Tàu Hủ (quận 8), rạch Ụ Cây (quận 8), rạch Lò Gốm (quận 6, 8), kênh Tân Hóa (Tân Phú),… không khó khăn gì để ghi nhận hình ảnh rác rến tràn ngập các bờ kênh, dưới chân cầu và miệng cống. Hình như hình ảnh ấy đã quá quen thuộc với người dân sống ven kênh.

 

Tại các dòng rạch nhỏ, bề rộng chưa đầy 3 mét có nhiều trong các quận nội thành, mật độ dân cư đông như Bình Thạnh, Tân Bình thì không chỉ có rác mà mùi hôi thối nồng nặc cũng thường xuyên tra tấn người dân. Rác đóng thành từng tảng khiến dòng nước bị tù đọng, tạo môi trường sống thuận lợi cho ruồi muỗi, sâu bọ và nguy cơ bùng phát các dịch bệnh.

 

Ngoài ra, hệ thống kênh rạch này cùng với sông Sài Gòn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với khả năng thoát nước của thành phố. Thế nhưng, chúng lại thường xuyên tắc nghẽn bởi hàng trăm tấn rác xả ra hàng ngày che kín các miệng cống thoát ra sông. Do vậy, các khu vực dân cư ven kênh khu nội thành thường xuyên chịu cảnh nước bẩn dâng lên từ miệng cống trong những ngày mưa lớn.

 

Theo Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM thì mỗi ngày, Công ty Môi trường đô thị TPHCM và Công ty Dịch vụ công ích quận 8 tiến hành trục vớt trên dưới 40 tấn rác trên các tuyến kênh chính. Còn các tuyến kênh, rạch nhỏ thì do chính quyền quận, phường làm vệ sinh thường xuyên. Tuy nhiên, các dòng kênh chưa bao giờ vắng rác.

 

Theo Sở, nguyên nhân chủ yếu là từ những hộ dân sống ven và trên kênh rạch (quận 1,4,7,8), người đi đường, các xe đẩy tay buôn bán lẻ, các hộ kinh doanh trái cây ven kênh rạch (dừa tươi, chuối…), các thương thuyền, bến bãi hoạt động trên kênh rạch xả thải trực tiếp xuống kênh rạch.

 

Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành chấn chỉnh lại hoạt động của các thương thuyền, bến bãi kinh doanh trái cây hoạt động trên kênh rạch để ngăn chặn tình trạng xả rác thải xuống kênh, yêu cầu các chủ hàng đăng ký với đơn vị thu gom rác. Tuy nhiên, các chủ hàng vì lợi nhuận nên thường đăng ký thấp hơn khối lượng rác thải thực tế rất nhiều, số còn lại vẫn lén lút thải ra kênh rạch.

 

Ngoài ra, rác thải sinh hoạt của của người dân sống ven kênh cũng là một nguồn không nhỏ “đóng góp” vào con số cả trăm tấn rác thải mỗi ngày trôi lững lờ trên các dòng kênh. 

 

Trao đổi với Dân trí, ông Trịnh Thanh Nhã, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho là “Vì người dân sinh sống ven kênh hầu hết là dân nhập cư nên ít có ý thức bảo vệ môi trường chung. Khi chỉ có vài hộ không đồng ý ký hợp đồng thu gom rác mà xả rác xuống kênh thì nhiều hộ xung quanh lại tị nạnh, cũng không chịu kỳ hợp đồng thu gom rác với cơ quan chức năng nữa. Khi đó, kênh lại đầy rác”.

 

Theo ông, sắp tới TP phải nghiên cứu đề xuất chế tài thật mạnh đối với hành vi xả rác ra kênh rạch và bắt buộc ký hợp đồng thu gom rác thì may ra mới chấm dứt được tình trạng trên.
 
Kênh rạch ngập rác  - 2
Rác đóng đầy khiến nước tù đọng trên kênh nhánh 1 đường Cộng Hòa

  

Kênh rạch ngập rác  - 3
Nước thải và rác sinh hoạt được người dân xả thẳng ra kênh rạch
 
Kênh rạch ngập rác  - 4
Rác ngăn dòng khiến nước kênh không chảy được

 

Kênh rạch ngập rác  - 5
 

Rác ngập tràn, bốc mùi hôi nồng nặc nhưng người dân vẫn vô tư sống và sinh hoạt
 

Kênh rạch ngập rác  - 6
 

Ngành vệ sinh môi trường vớt hàng chục tấn rác mỗi ngày cũng không làm sạch được hết các dòng kênh.

 

Tùng Nguyên - Trung Kiên