Kênh chạy quanh TPHCM sẽ xanh lại như xưa
(Dân trí) - “Khi các dự án cải thiện môi trường hoàn thành, những dòng kênh trong lòng thành phố sẽ trở lại trong xanh như xưa!” - Ông Lương Minh Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước khẳng định.
TPHCM đang cố gắng “hồi sinh” những dòng kênh bị “giết chết” trong quá trình phát triển kinh tế đô thị.
Ông Phúc cho biết, hiện nay, do yếu tố lịch sử mà hệ thống cống thoát nước của chúng ta nhận cả nước thải sinh hoạt và nước mưa rồi đưa thẳng ra kênh. Do đó, nước kênh bị ô nhiễm, hôi thối và có màu đen. Còn tại các nước khác, nước thải và nước mưa được dẫn thoát bằng hai hệ thống cống khác nhau.
Cũng vì vậy, khi xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, chúng ta phải cải tạo lại hệ thống cống thoát rất phức tạp. Sau nhiều năm nghiên cứu, TPHCM áp dụng biện pháp xây dựng hệ thống cống bao đường kính 2.500mm - 3.000mm dọc bờ các dòng kênh lớn như Bến Nghé, Đôi, Tẻ, Tàu Hủ, Nhiêu Lộc Thị Nghè… Sau đó thu toàn bộ nước thải và nước mưa về đây, dẫn về các giếng tách dòng.
Trong mùa mưa, do nước mưa và nước thải lẫn lộn nên tại các giếng tách dòng có một bộ phận cơ học giúp phân loại nước mưa và nước thải. Nước đạt một chuẩn nhất định sẽ nổi lên trên và cho thoát ra kênh. Nước không đạt chất lượng thải ra kênh sẽ được hút vào các trạm bơm. Từ đây, nước thải được bơm về nhà máy xử lý.
Như vậy, bằng công nghệ này, hệ thống kênh nội thành TP sẽ không phải nhận trực tiếp nước thải nữa.
Đến năm 2014, những dòng kênh chính sẽ trong xanh
Hiện nay, TPHCM đang triển khai hai dự án cải tạo môi trường lớn là Dự án Cải thiện môi trường nước TP lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ và Dự án Cải thiện môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Hai dự án này không chỉ góp phần xóa ngập cho khu vực trung tâm mà còn thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của gần 3 triệu dân các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Bình Chánh.
Đến nay, Dự án Cải thiện môi trường nước đã xong giai đoạn 1, xây dựng hoàn tất nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000 m3/ngày đêm. Hiện chỉ chờ tuyến cống bao dọc kênh Bến Nghé và hệ thống đường dẫn hoàn thành trong cuối năm nay thì nhà máy sẽ bắt đầu xử lý nước thải sinh hoạt trong khu vực 500.000 dân của quận 1, 3; rửa sạch dòng kênh Bến Nghé.
Ông Lương Minh Phúc cho biết: “Đến năm 2014, khi dự án hoàn tất giai đoạn 2 thì toàn bộ các con kênh Bến Nghé, Tàu Hủ, Đôi, Tẻ sẽ được làm sạch”.
Ông Phan Châu Thuận, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cũng cùng ý kiến như vậy: “Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong tương lai sẽ là dòng kênh xanh vì không tiếp nhận nước thải từ các công trên lưu vực chảy đến”.
Bởi dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng tiến hành xây dựng cống bao, thu gom nước thải và xử lý trước khi đổ ra kênh; đồng thời trong dự án còn có gói thầu nạo vét và cải tạo lòng kênh. Ông Thuận cũng cho biết là nếu không có gì trở ngại, đến cuối năm 2009, hầu hết các gói thầu của dự án sẽ hoàn tất. Sang năm 2010 có thể sẽ làm sạch kênh Thị Nghè.
Ông Lương Minh Phúc cho rằng: “Để làm sạch toàn bộ kênh trong nội thành TP, chúng ta phải xây dựng đồng bộ 4 ,5 nhà máy xử lý nước thải như nhà máy Bình Hưng. Mà ưu tiên trước mắt là khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Vì đây là dòng kênh nằm ở phía thượng nguồn. Nếu không cải tạo đồng bộ, nước kênh ô nhiễm ở đây cũng sẽ ảnh hưởng đến các con kênh đã được cải tạo”.
Ông cũng cho là khi tất cả các nhà máy xử lý nước thải hoàn tất, TPHCM sẽ rất thiếu kỹ sư môi trường và chuyên viên xử lý nước thải để vận hành hệ thống. Ông dự kiến, TP cần phải có 1.500 nhân lực trong ngành này. Hiện nay mới chỉ có 30 người làm việc tại nhà máy Bình Hưng. Do vậy, tương lai đây sẽ là ngành hot, cần đào tạo.
Tùng Nguyên