Kẻ xâm hại trẻ em ở TPHCM có thể là người có địa vị, dân trí cao

Q.Huy

(Dân trí) - Tại TPHCM, người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng. Một số trường hợp xâm hại diễn ra thời gian dài, thậm chí nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.

UBND TPHCM vừa báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội việc thực hiện Nghị quyết 121 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.

Qua các số liệu thực tiễn, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em tại TPHCM có chiều hướng giảm về số vụ. Tuy nhiên, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng.

Hình thức phạm tội chủ yếu là xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành thể xác, hăm dọa tinh thần. Độ tuổi trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 tuổi và đa phần là trẻ em gái.

Kẻ xâm hại trẻ em ở TPHCM có thể là người có địa vị, dân trí cao - 1

Vụ việc bé trai tại TPHCM bị ép sử dụng chất là ma túy đá gây bức xúc dư luận thời gian qua (Ảnh: Cắt từ clip).

UBND TPHCM cũng nhìn nhận, số vụ xâm hại thống kê được có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do văn hóa và nhận thức của trẻ. 

Điểm đáng chú ý, người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng. Họ không chỉ là những người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà còn là người có nghề nghiệp ổn định, dân trí cao, có địa vị xã hội và tập trung ở người từ 18 tuổi trở lên.

Phần lớn người xâm hại trẻ em là nam giới, hầu hết là người quen biết, họ hàng, bạn của gia đình trẻ. Một số trường hợp xâm hại diễn ra thời gian dài, thậm chí nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.

Thủ đoạn của nhóm người phạm tội chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình, dùng lòng tốt nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại. Các dạng hành vi xâm hại trẻ em phổ biến tại địa bàn là giết, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc, mua bán...

Một điểm cần lưu ý, trước đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở nơi vắng vẻ, ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người lao động. Thời gian gần đây, các vụ xâm hại trẻ em đã diễn ra ở khu vực công cộng thuộc chung cư, trường học, công viên...

Ngoài ra, việc ghi nhận thông tin lưu trú của các khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ không được thực hiện đầy đủ theo quy định pháp luật. Do đó, khi các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong thu thập, xác minh, củng cố chứng cứ.

Theo thống kê của TPHCM, toàn địa bàn đang có gần 1,9 triệu trẻ em, chiếm gần 19% dân số thành phố. Qua thống kê, năm 2021, toàn địa bàn ghi nhận 114 trẻ em bị xâm hại, năm 2022 là 147 trẻ và 4 tháng đầu năm 2023 là 65 trẻ.

Trong số các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn, số vụ xâm hại tình dục chiếm đa số. Kế đến là các hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em và mua bán trẻ em.