Kế hoạch tăng lương bị “uy hiếp” vì hụt chỉ tiêu tăng trưởng
(Dân trí) - Do tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu, việc điều chỉnh lương thấp hơn dự kiến. Lương tối thiểu chỉ đáp ứng gần 40% nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi số doanh nghiệp phá sản, giải thể không ngừng tăng, mức chi trả bảo hiểm thất nghiệp tăng vọt…
Đây là những vấn đề mà Ủy ban Các vấn đề xã hội cảnh báo trong báo cáo vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 976 năm 2010 của Ủy ban Thường vụ về việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, kết quả thực hiện lời hứa sau phiên chất vấn về lương thưởng, tạo việc làm, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại kỳ họp trước cũng được đề cập cụ thể trong báo cáo.
Điểm đáng chú ý, tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước (từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012). Cơ quan giám sát về lĩnh vực này nhận định, sự chuyển dịch người lao động bị thất nghiệp sang khu vực phi chính thức cho thấy, tác động của khoảng 54,2 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2012 đến vấn đề việc làm trong khu vực chính thức.
Lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng “điểm tên” nguyên nhân, năm 2012, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt hơn 5%, trong khi mức dự kiến tăng trưởng từ 6-6,5% dẫn đến việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho khu vực công chỉ ở mức 1,15 triệu đồng/tháng (dự kiến là 1,3 triệu đồng/tháng). Mức lương này chỉ đạt 38,4% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng thêm bình quân 17,4%, thấp hơn so với mức dự kiến điều chỉnh là 36,4%.
Quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã nhích lên nhưng 4 tháng đầu năm lại có đến 19.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, tiếp tục tác động đến tình hình việc làm trong khu vực chính thức.
Nhiều con số khác Ủy ban Các vấn đề xã hội đưa ra cũng đáng “giật mình”. Theo đó, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 7,9 triệu người năm 2011 lên 8,3 triệu người năm 2012 (tăng 4,2% sau 1 năm). Số người được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm 2010 - 2012 tăng từ 145.000 lên 410.000, rồi tới 461.000 cuối năm qua.
Cơ quan giám sát đánh giá, tuy số người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp chỉ tăng khoảng 50.000 người so với năm 2011 nhưng số tiền chi bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng tăng tới 133% (từ 1.126 tỷ đồng lên mức 2.625 tỷ đồng trong cả năm 2012).
Trong khi đó, 3 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1% (0,5% số người thất nghiệp được đào tạo nghề trong năm 2012). Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cảnh báo, ở một số địa phương đã có tình trạng lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Số nợ bảo hiểm này đến hết năm 2012 là 4.639 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền sau phiên chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2012), UB Các vấn đề xã hội khái quát, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cơ bản đã được ban hành. Bộ cũng ban hành được Bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.
Với nỗ lực của ngành, Việt Nam duy trì và mở rộng thêm được một số thị trường có chất lượng như Nhật Bản và Đức.
Tuy nhiên, cơ quan giám sát nhắc về vấn đề đưa lao động Việt đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Đài Loan khó khăn. Việc dừng chương trình cấp phép mới cho lao động Việt Nam đi Hàn quốc làm cho hơn 12.000 lao động đã hoàn thành xong các chứng chỉ nghề, ngoại ngữ chưa có cơ hội xuất ngoại.
Việc đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cũng nhận “điểm trừ” vì chậm.
Ủy ban Các vấn đề xã hội yêu cầu Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền có giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; hoàn thiện mô hình quản lý lao động Việt Nam tại nước ngoài; đề xuất Chính phủ giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài và có giải pháp tích cực nhằm mở lại thị trường lao động Hàn Quốc.
P.Thảo