Ít nhất 39 người gặp nạn do bão, khắp miền Bắc mưa lớn

(Dân trí) - Sau khi quét dọc vùng ven biển các tỉnh miền Trung, bão số 6 đã suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, hoàn lưu bão còn gây mưa lớn diện rộng khắp miền Bắc; đã có ít nhất 39 người gặp nạn trên biển.

Rạng sáng ngày 8/8, bão đã suy yếu thành vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa sáng nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa,mưa vừa, có nơi mưa to và giông; vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Cũng theo cơ quan khí tượng, hôm nay các tỉnh Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất; ngập úng ở các vùng trũng, ngập lụt ở các đô thị tại khu vực đồng bằng như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội...
 
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đến tối 7/8, đã có 5 phương tiện của Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Hải Phòng cùng 39 người gặp nạn trên biển.
 
Bão đã đổ bộ vào đất liền khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Ninh Bình. Vùng ven biển sức gió giật cấp 9, cấp 10, mưa bão đã gây những thiệt hại đầu tiên... Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vào lúc 23 giờ ngày 7/8, khu vực ven biển Hậu Lộc, gió giật mạnh. Trước đó, khoảng 20h, bão đã chính thức đổ bộ vào khu vực ven biển giữa Thanh Hoá, Ninh Bình, nhưng thời điểm đó gió chỉ giật cấp 8, cấp 9. Đến 23h đêm, gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 kèm theo mưa to.


Theo kinh nghiệm của dân gian, cũng như người dân địa phương vùng ven biển Hậu Lộc thì gió bão tại thời điểm 23h ngày 7/8, bão lại Đông, nước cao vượt đê rất nguy hiểm cho người dân sống ven mép nước. Dọc con đê chắn sóng ven biển Hậu Lộc, gió thổi tung các lều đón cá của ngư dân ven biển.

Nhiều cây xanh bị gió quật ngã 
Nhiều cây xanh bị gió quật ngã 

Do ảnh hưởng mưa bão, tại thành phố Thanh Hoá và các địa phương ven biển đã bị mất điện trên diện rộng. Gió mạnh đã khiến nhiều cây cối ở thành phố Thanh Hoá bị gãy đổ, dọc các con đường từ thành phố Thanh Hoá về các huyện ven biển, cây cối cũng bị gió quật đổ ngổn ngang.

Tại huyện Hậu Lộc, nhiều cây cối, biển quảng cáo đổ chắn ngang đường, huyện đã phải huy động lực lượng ra dọn dẹp để thông đường. Nhiều nhà dân dọc các xã ven biển bị tốc mái che phía trước. 

Gió mạnh xẻ toác cả cây 
Gió mạnh "xẻ" toác cả cây 

Mưa bão cũng đã làm hàng nghìn ha diện tích ngao của các huyện ven biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá có khả năng bị thiệt hại do gió bão chính Đông, sóng cuộn mạnh, dẫn đến ngao ở các triền cát bị cuốn theo.

Tối ngày 7/8, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã trực tiếp xuống huyện Hậu Lộc chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn do cây xanh đổ giữa đường
Các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn do cây xanh đổ giữa đường

Vào khoảng 20 giờ ngày 7/8, lực lượng tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trong mưa bão của xã Minh Lộc phát hiện ông Lê Đồng (68 tuổi) ở thôn Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt, Hoằng Hoá đi từ huyện Nga Sơn, qua đò Thắm về huyện Hậu Lộc đã bị lạc xuống xã Minh Lộc. Do mưa bão, không quen đường nên ông Đồng đã phải nằm lại tại khu chợ Minh Lộc, sau đó đã được chính quyền địa phương đưa về nơi trú ẩn an toàn tại trụ sở thôn Minh Hợp, xã Minh Lộc.

Bất chấp mưa bão, người dân vẫn ra đường di chuyển vật cản gây cản trở giao thông
Bất chấp mưa bão, người dân vẫn ra đường di chuyển vật cản gây cản trở giao thông

Mặc dù gió to, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, chính quyền địa phương các xã ven biển đã tổ chức lực lượng tuần tra trên địa bàn dân cư và ven biển để đảm bảo an ninh và nắm bắt tình hình mưa bão.

Nhiều tấm biển quảng cáo cũng bị gió thổi bay
Nhiều tấm biển quảng cáo cũng bị gió thổi bay

Ông Vũ Huy Đăng, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: "Theo kinh nghiệm thì bão lại Đông như thế này rất nguy hiểm, chưa có con số thống kê nhưng chắc chắn những diện tích ngao của bà con dễ bị thiệt hại do sóng lớn cuộn lên. Địa phương đã bố trí lực lượng túc trực thường xuyên kiểm tra trong dân cũng như khu vực ven mép nước".

Hiện vẫn chưa có con số thống kê về tình hình thiệt hại do cơn bão gây ra. Đến 24h đêm 7/8, mưa đã ngớt dần, tuy nhiên gió bão vẫn giật mạnh liên hồi. 
 
Chiều ngày 7/8, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam cho biết đã tiếp nhận thông tin 2 tàu cá của ngư dân Bình Định và Hà Tĩnh gặp nạn trên biển. Theo thông tin, tàu cá của ngư dân Bình Định số hiệu BĐ 96431 cùng 10 ngư dân đang hoạt động tại vị trí có tọa độ 09040’N - 112014’E thì bị gãy trục số khi đang đánh bắt trong khu vực quần đảo Trường Sa, tàu không thể khắc phục được.


Lúc này tàu đang thả trôi theo hướng 180 độ với tốc độ 0,5 hải lý/giờ trong khu vực thời tiết có mưa giông và gió cấp 6, cấp 7.


Sau khi tiếp nhận thông tin, Đài thông tin duyên hải Việt Nam đã thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương, đồng thời yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực tăng cường quan sát, trợ giúp tàu bị nạn.


Cũng trong chiều ngày 7/8, Đài thông tin duyên hải Việt Nam đã tiếp nhận thông tin về tàu cá của tỉnh Hà Tình hoạt động trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6.


Theo đó, tàu của ngư dân Hà Tĩnh số hiệu HT 00057 TS gặp bão số 6 khi đang hành trình về bờ khiến tàu mất phương hướng. Tại thời điểm thu nhận tin tàu cách bờ khoảng từ 5 đến 6 km.


Thông tin này đã được hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương. Đồng thời, triển khai phát quảng bá thông tin cấp cứu khẩn cấp, an toàn bằng các phương thức nghiệp vụ trên sóng vô tuyến yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực tăng cường quan sát, trợ giúp tàu bị nạn.
 

Công Bính

 

Duy Tuyên - Thanh Trầm