1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Hy sinh để gọi sự sống về

Căn bệnh ung thư máu khiến sự sống của Phương Ly (32 tuổi, Đồng Nai) chỉ đếm bằng ngày bằng tháng nếu không được ghép tủy! Hàng chục cuộc xét nghiệm đã tiến hành ở ba người anh, chị của Phương Ly nhưng không đạt! Tia hy vọng mong manh hướng về Thanh Tâm, cô em út ốm yếu nhất nhà...

Điều kỳ diệu của con tim...

 

Kết quả xét nghiệm HLA (tỉ lệ hòa hợp về bạch cầu giữa người cho - nhận) của Thanh Tâm và chị là 6/6, tức hòa hợp 100%! Ánh sáng của sự sống đã lóe mở với Phương Ly...

 

Sáng 10/8/2006, ngồi trong phòng cách ly chờ lấy tủy, Thanh Tâm nghe tim mình đập rung lên, người run run... Nhưng cô cố trấn tĩnh, tự nhủ: “Dù đau đớn đến mấy mình cũng chịu để cứu sống chị Ly!..”. Cô bé nhắm mắt lại, nghĩ đến người chị với khuôn mặt xanh xao, đau đớn... Hai mũi kim xuyên vào tĩnh mạch trên hai cánh tay, Tâm nghe một luồng rần rật, tê tê lan ra. Suốt bốn giờ ngồi trên ghế để lấy tủy, cái cảm giác ấy cứ chạy khắp cơ thể, nhưng cô bé cắn răng chịu đựng. Đến ngày thứ hai thì toàn thân tê cứng! Bác sĩ (BS) hỏi, cô bé không nói được, chỉ gật và lắc đầu.

 

Sau ba ngày liên tiếp (mỗi ngày lấy 50ml tế bào tủy), cô bé gần như mất luôn cảm giác! “Thanh Tâm bị thiếu máu nặng nên ngày đầu lấy tủy rất mệt, không thể ăn uống. Nhưng khi nghe tôi nói phải ráng ăn cho khỏe để ngày mai lấy đơn vị tủy cuối cùng mới cứu được chị thì cô bé im lặng, bưng chén cơm ăn hết...” - BS Trần Quốc Tuấn (trưởng khoa huyết học người lớn - Bệnh viện Truyền máu và huyết học) xúc động kể.

 

Trường hợp của chị Dương Thị Hoàng Oanh thì khác. Khi quyết định cắt một quả thận ghép cho đứa con 12 tuổi, chị nhận được rất nhiều lời khuyên. Ngay cả những người có thân nhân ghép thận cũng tỉ tê: “Suy nghĩ kỹ đi, rủi mình mất một quả thận mà con mình vẫn chết!..”. Mặc kệ, người mẹ chỉ nặng 38 kg, bị thiếu máu ấy vẫn quyết cứu sống con mình...

 

Đêm 24/3/2005, tại phòng cách ly của khu phẫu thuật Bệnh viện Nhi Đồng 2 có lẽ là đêm dài nhất trong đời chị Hoàng Oanh! Trái tim bộn bề âu lo của người mẹ cứ đập thình thịch. Bao cảm xúc, suy nghĩ dồn dập, chồng chéo làm chị không thể chợp mắt...

 

“Mình có bớt đi 20 năm, 30 năm sống của mình để mang lại sự sống cho con cũng là chuyện bình thường. Cuộc sống của mình chẳng có nghĩa gì nữa nếu con mình ra đi...”. Và giờ đây tôi thấy người mẹ ấy ôm lấy đứa con mà mình đã giành lại từ tay tử thần và cười thật mãn nguyện. Chị nói: “Khi chưa ghép thận, bé đi tí xíu là huyết áp lên, da xám ngắt, chỉ có hai mươi mấy ký, nhưng giờ cháu đã lên hơn 33 ký rồi đấy...”.

 

Trên hành trình giành lại sự sống cho người thân có rất nhiều câu chuyện xúc động, đẹp như cổ tích thời hiện đại: cho một phần cơ thể của mình... Có người đã vượt đại dương xa thẳm để mang lại sự sống cho người thân. Đó là câu chuyện của hai người em: Hồng Yến, Kim Hồng. Vừa biết chị gái (Đỗ Thị Mai, ở Q.3, TPHCM) bị suy thận mãn, hai người em ở Mỹ và Canada đã tức tốc bay về, tranh nhau cho thận chị!

 

Khi Hồng Yến được chọn do xét nghiệm HLA có tỉ lệ hòa hợp về tế bào cao hơn, Kim Hồng đã bật khóc. Chị Đỗ Thị Mai kể: “Tôi nghĩ rằng không thể vì mình mà làm đổ vỡ hạnh phúc của em nên không chịu ghép. Nhưng đứa em rể (người Mỹ) cứ gọi điện thoại về động viên. Sự hi sinh của em tôi lớn quá”. Theo chị, cái cảm giác mang trong mình một phần cơ thể của em “nó thiêng liêng, thân thương khó tả lắm...”.

 

“Có khá nhiều người còn rất trẻ cứ đòi hiến cho người già. Nhưng đây là vấn đề thuộc về đạo lý, nhân tâm nên chúng tôi không dám tiến hành. Chúng tôi thật sự xúc động và ngạc nhiên vì sau khi người hiến tỉnh dậy bao giờ cũng hỏi: con tôi, em tôi hay chị tôi... sao rồi bác sĩ, mà ít quan tâm tới việc mình đã mất đi một quả thận đau đớn như thế nào” - BS Thái Minh Sâm (BV Chợ Rẫy) tâm sự.

 

Còn BS Phạm Văn Bùi (trưởng khoa thận niệu BV Nhân Dân 115) chia sẻ: “Ngay cả chúng tôi còn thấy khó khăn, đắn đo khi lấy thận để ghép thì huống gì người hiến”. “Đó là sự hy sinh rất lớn mà chỉ những ai có trái tim thật yêu thương và dũng cảm mới làm được” - BS Trần Quốc Tuấn (BV Truyền máu và huyết học) khẳng định.

 

Trái tim hồng màu blouse trắng

 

Có một điều thật lạ: dù thực hiện hàng chục, hàng trăm ca ghép tạng, dù mới xảy ra hay cách nay gần 15 năm, những người mang áo blouse trắng vẫn nhớ rất chính xác, rất cụ thể từng trường hợp, từng hoàn cảnh một.

 

Câu chuyện về mẹ con bé Lê Hoàng Oanh đã hơn hai năm nhưng GS.BS Trần Đông A (phó giám đốc BV Nhi Đồng 2) kể lại như mới diễn ra hôm qua: “Chồng mất lúc đứa út mới 2 tuổi, đứa lớn lại bị suy thận mãn mà nhà thì rất nghèo chị lấy đâu ra trăm triệu ghép thận cho con, BV phải giúp thôi...”.

 

Còn chị Hoàng Oanh khi nhắc lại những ngày ở BV không giữ được sự xúc động: “Trọn cuộc đời này tôi sẽ nhớ mãi...”. Nhớ mãi đôi mắt đỏ hoe của BS Mộng Hiệp khi đến an ủi vì ca ghép của bé Lê Hoàng Oanh phải hoãn do bé bị lao sơ nhiễm; nhớ mãi những ánh mắt thân thiện, những nụ cười chia sẻ, những cái nắm tay ấm truyền thêm niềm tin... của các y, BS, ban giám đốc BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2...

 

Sau mỗi ca ghép tạng thành công, ít ai biết rằng nhiều BS và cả êkip phải thức trắng đêm, phải nhiều ngày ngủ trong BV. GS.BS Trần Đông A nói: “Chuyện bình thường thôi mà! Có ca chúng tôi còn cắm chốt trong BV suốt 45 ngày không thấy mặt trời ấy chứ. Bệnh nhân cần, mình không có mặt thì không phải là BS nữa rồi”.

 

Đối với họ, mỗi khi bước vào một ca ghép tạng là nắm trong tay sinh mạng của một con người. Do đó áp lực vô cùng khủng khiếp! “Khi đặt bệnh nhân lên bàn mổ, chúng tôi thường nói đùa “đã ký một bản án tử hình”! Nếu mức độ cẩn thận ở các cuộc mổ khác là 10 thì ghép thận phải là 10+1, 10+2...Tôi luôn tâm niệm: không được sai sót từ cái nhỏ nhất” - BS Phạm Văn Bùi tâm sự. Đó cũng chính là sự nghiêm khắc của... con tim!

 

Theo My Lăng

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm