1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hy hữu chuyện con trai gửi bố về quê ôsin… nhờ nuôi

Chẳng biết có phải vì ngại chăm sóc người cha 95 tuổi hay vì lý do gì khác mà vợ chồng anh T. đã thảo "hợp đồng" để cụ theo anh ôsin về quê để anh ôsin "phụng dưỡng" thay hai vợ chồng.

Trước lúc đưa cụ ông đi, cụ bà M. (đang bị bệnh ung thư vòm họng) đã khóc lóc níu ông lại, “xin con” cho 2 ông bà được sống bên nhau cho đến khi lìa đời nhưng thay vào đó, cụ bà cũng bị đẩy về một huyện ngoại thành Hà Nội.

 

Câu chuyện có thật tưởng như chuyện đùa. Tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội có gia đình nhà anh T.. Bố anh T. năm nay 95 tuổi, nguyên là cán bộ đã nghỉ hưu. Do tuổi cao sức yếu, lại có thêm bệnh tuổi già, ông được nằm dưỡng bệnh tại bệnh viện theo chế độ. Sau một thời gian, ông được chuyển về điều trị tại nhà.

 

Quá trình nằm viện cũng như khi đã về nhà, vợ chồng anh T. có thuê một ôsin chăm sóc ông từ việc ăn uống, giặt giũ, dọn vệ sinh… May mắn cho cụ, anh ôsin không nề hà mà chăm sóc cụ như con cháu trong nhà. Cuối năm, anh ôsin phải về quê lo việc gia đình.

 

Chẳng biết có phải vì ngại chăm sóc bố đã già hay vì lý do gì khác mà sau vợ chồng anh T. đã thảo  "hợp đồng" để anh ôsin đưa cụ về quê của anh là một xã nghèo thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ "phụng dưỡng" thay hai vợ chồng. Hàng tháng, trách nhiệm của anh T. là gửi tiền về quê cho anh ôsin sử dụng để chăm nuôi ông.

 

Trước lúc đưa cụ đi, cụ bà M., 86 tuổi, cũng đang bị bệnh ung thư vòm họng đã khóc lóc níu ông lại, ngăn con trai và con dâu không được làm việc đó vì muốn lúc tuổi già 2 ông bà sẽ được sống bên nhau cho đến khi lìa đời. Thế nhưng, không những không nghe lời mẹ, sau khi cụ ông theo anh ôsin về quê, vợ chồng anh T. đã đưa bà M. về quê của bà là một huyện ngoại thành Hà Nội.

 

Theo như lời một người bạn của bà M. thì một thời gian sau, bệnh chuyển giai đoạn cuối, bà M. qua đời nhưng không một người hàng xóm, láng giềng nào tại phường Đại Kim được biết. Liên lạc với anh ôsin hiện đang chăm nuôi cụ ông ở Phú Thọ, chúng tôi được biết hiện cụ ông đang sống thoi thóp hàng ngày. Mọi sinh hoạt, ăn uống… đều do anh đảm nhiệm. Anh ôsin cho hay, hàng tháng, anh T. có gửi lên cho anh khoản tiền 6 triệu đồng trong số tiền lương hưu của cụ. Hai hoặc ba tháng, anh T. mới lên thăm hoặc gọi điện thoại hỏi han cụ một lần.

 

Có lẽ, đây không phải là câu chuyện hy hữu xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, không ít những đứa con đã bỏ mặc cha mẹ già ốm yếu không quan tâm, chăm sóc hoặc đối xử một cách bạc đãi. "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", công lao của cha mẹ với con cái sâu nặng như trời như bể. Cha mẹ nuôi con không kể ngày đêm, cha mẹ về già là lúc cần nhất tình cảm, sự chăm sóc, quan tâm của con cái, không màng đến vật chất.

 

Thế nhưng, việc làm của vợ chồng anh T. nói riêng cũng như không ít cặp vợ chồng khác đối với cha mẹ đang đi ngược lại với truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Thử hỏi, rồi những đứa con của họ chứng kiến những hành động ấy sẽ nghĩ gì và đối xử với bố mẹ chúng như thế nào khi chúng khôn lớn… Câu chuyện một lần nữa gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự khủng hoảng nhân cách cũng như các giá trị đạo đức

 

Theo Nguyễn Quý - Thanh Hùng
Công an Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm