1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 bồi thường cho dân

Công Bính

(Dân trí) - Trong khi bão số 9 vừa dứt thì thủy điện Đăk Mi 4 lại xả lũ ồ ạt khiến nhiều nhà dân ở huyện Nam Giang bị cuốn trôi, sạt lở… Huyện yêu cầu thủy điện này phải đền bù, hỗ trợ cho dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chương - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Nam Giang cho biết, do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ đột ngột và quá lớn nên xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ bị thiệt hại rất nặng.

Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 bồi thường cho dân - 1

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lớn nhất ở mức 7.000m3/s vào ngày 28/10. (Ảnh: CTV)

Theo ông Chương, ngoài nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 9 thì thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ cũng làm rất nhiều nhà dân ở 2 địa phương của huyện bị thiệt hại nặng. Có 4 hộ dân có nhà bị trôi hoàn toàn, 41 hộ có nhà bị hư hại từ 50-70%, 275 hộ bị đất sạt lở trôi vào nhà, 608 hộ bị ngập úng…

Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 bồi thường cho dân - 2

Nước lũ từ thủy điện Đăk Mi 4 khiến tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Nam Giang bị xé toạc

Ông Chương cho biết, lúc 16h30, thủy điện Đăk Mi 4 bắt đầu tăng lưu lượng xả, đến khoảng hơn 17h nước lũ cuồn cuộn đổ về khiến người dân đang đi tránh báo không thể chạy về kịp dọn đồ đạc nên bị hư hại nặng.

“Lúc khoảng 5h30 chiều ngày 28/10, nước lũ đổ xuống thị trấn Thạnh Mỹ quá nhanh, lực lượng công an, bộ đội, dân quân… lấy cano đưa người dân ở vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Đến 21h, công việc di dời dân mới hoàn tất”, ông Chương nói.

Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 bồi thường cho dân - 3

Cầu Sông Thanh tràn ngập rác, cây rừng do thủy điện xả lũ

Trước đó, chiều ngày 28/10, khi thấy nước trên sông Nước Mỹ và sông Cái từ thủy điện Đăk Mi 4 đổ xuống quá lớn, ông Chương và ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch huyện Nam Giang - liên tục gọi điện cho lãnh đạo Công ty thủy điện Đăk Mi 4 yêu cầu giảm lưu lượng xả lũ lại vì dân lúc này đã “no nước”.

Trước tình hình thiệt hại của dân do thủy điện Đăk Mi xả lũ, ông Chương cho biết huyện mới có đánh giá bước đầu về thiệt hại do bão và lũ. Riêng vấn đề thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại hiện vẫn chưa có số liệu thống kê.

Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 bồi thường cho dân - 4
Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 bồi thường cho dân - 5
Huyện yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 bồi thường cho dân - 6

Nhiều nhà dân ở huyện Nam Giang bị thiệt hại nặng do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ

Theo ông Chương, ngày 3/11 lãnh đạo huyện mới tổ chức đoàn đi kiểm kê thiệt hại của dân và mời lãnh đạo công ty thủy điện Đăk Mi 4 làm việc để có hướng giải quyết thiệt hại cho dân.

Về hướng đền bù hay hỗ trợ cho dân, ông Chương cho biết, huyện đã có báo cáo gởi tỉnh và công ty thủy điện Đăk Mi 4 có hướng hỗ trợ cho người dân. Huyện và công ty thủy điện Đăk Mi 4 sẽ có buổi họp để thống nhất phương hướng đền bù hay hỗ trợ cho dân sau khi đã kiểm đếm cụ thể.

Về vấn đề đền bù hay hỗ trợ, ông Chương cho biết, đúng ra phải là “đền bù, hỗ trợ” chứ hỗ trợ không thì không đúng. “Người dân không biết thủy điện có xả lũ đúng quy trình hay không nhưng vừa rồi xả quá sức nên người dân họ thấy sợ. Đối với cơ quan tham mưu thì mình sẽ có hướng giải quyết cho dân.

Trao đổi với phóng viên, ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch huyện Nam Giang cho hay, ngày 3/11, huyện sẽ thành lập đoàn kiểm kê; khi kiểm kê xong huyện sẽ báo cáo gởi tỉnh để xin ý kiến liên quan đến việc bồi thường hay hỗ trợ.

“Quan điểm của người dân là người ta mong muốn được bồi thường thiệt hại do việc xả lũ, còn chủ trương thì phải có ý kiến của tỉnh nữa. Tinh thần là như thế. Huyện cũng có quan điểm là bồi thường nhưng phải có chủ trương của tỉnh nữa”, ông A Viết Sơn nói.

Trước đó như Dân trí đã đưa tin, lúc 15h ngày 28/10, đơn vị vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 thông báo tăng lưu lượng xả tràn lần 2. Thời điểm bắt đầu vận hành vào lúc 15h30 ngày 28/10, lưu lượng xả tràn dự kiến đến 11.400m3/s. Lưu lượng thủy điện Đăk Mi 4 xả xuống hạ du là 5.100m3/s.

Thời điểm nước về hồ Đăk Mi 4 nhiều nhất lên đến hơn 13.300m3/s lúc 16h ngày 28/10. Lúc xả qua tràn nhiều nhất hơn 7.000m3/s (lúc 17h ngày 28/10).

Với mức xả như vậy thì nhiều vùng hạ du như huyện Nam Giang, Đại Lộc… của tỉnh Quảng Nam bị ngập úng nặng.

Do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ lớn và đột ngột, nhiều hộ bị hư hỏng nặng một số vật dụng có giá trị trong gia đình; đồng thời gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về cây cối hoa màu ước khoảng 365,4 ha, chủ yếu là lúa rẫy của bà con địa phương đang trong thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch. Thiệt hại về con vật nuôi hại khoảng 825 con gia cầm; 25 con trâu, bò và khoảng 284 con lợn.

Về giao thông, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện giáp với huyện Phước Sơn bị sạt lở nặng tại Km1535 +800; các tuyến giao thông từ xã Chà Val đi xã Đắc Pring, xã La Êê đi xã Chơ Chun, thôn Công Dồn đến thôn Pà Rum (xã Zuôih) bị sạt lỡ, nhiều điểm ách tắc giao thông, hiện đang khắc phục để đảm bảo thông tuyến.

Tuyến đường giao thông vào khu sản xuất Cha Mool bị sạt lở; kè thôn Công Tờ Rơn bị xói lở với chiều dài 70m; Lan can cầu bản A Mó, Đa Căm bị hư hỏng do nước lũ cuốn. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn bị hư hỏng nặng, đang tiến hành khắc phục sửa chữa để thông tuyến.