Huy động tối đa camera giám sát của người dân tại Hà Nội, TPHCM
(Dân trí) - Công an TP Hà Nội và TPHCM sẽ xây dựng trung tâm điều hành để quản lý toàn bộ camera giám sát của thành phố - huy động tối đa các camera giám sát của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã lắp đặt.
Như Dân trí đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính".
Đề án có tổng mức đầu tư khoảng 2.150 tỷ đồng, gồm 3 dự án triển khai ở Cục Cảnh sát giao thông- Bộ Công an, Phòng Cảnh sát giao thông- Công an thành phố Hà Nội và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an TPHCM. Thời gian thực hiện các đề án trên từ năm 2021 đến năm 2025.
Dự án 1, "Đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera". Trong đó sẽ đầu tư xây dựng kho dữ liệu dùng chung có khả năng tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành công an, nhất là ngành giao thông vận tải và ngành tài chính, bao gồm: Hệ thống đăng ký quản lý phương tiện giao thông; hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm; hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông; hệ thống quản lý giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu đăng kiểm; xe kinh doanh vận tải; hệ thống bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; hệ thống dữ liệu xe nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước.
Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quản lý điều hành giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động giám sát biển số xe; giám sát giao thông thông minh; giám sát xử lý vi phạm, giám sát an ninh trật tự…
Đáng chú ý sẽ lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc trên toàn quốc và các hệ thống camera tại các địa phương đã được đầu tư trang bị để kết nối vào hệ thống giám sát an ninh, trật tự an toàn xã hội và quản lý điều hành giao thông. Xây dựng phương án chia sẻ dữ liệu hình ảnh với Trung tâm thông tin chỉ huy của Bộ Công an.
"Xây dựng giải pháp bảo đảm an ninh mạng có khả năng giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoạt động phát tán mã độc, tấn công mạng, xâm nhập trái phép hệ thống; giải pháp quản lý, chống thất thoát dữ liệu, lộ, mất bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân"- đề án nêu rõ mục tiêu của dự án 1.
Chú đầu tư dự án là Cục Cảnh sát giao thông- Bộ Công an.
Dự án 2 "Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm cho Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội".
Theo đó sẽ xây dựng trung tâm điều hành để quản lý toàn bộ camera giám sát của thành phố (huy động tối đa các camera giám sát của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã lắp đặt). Điều phối toàn bộ hoạt động giao thông và tự động giám sát an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.
"Tích hợp bản đồ số quản lý các camera lắp đặt trên địa bàn thành phố và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện khuôn mặt, nhận diện biển số xe, giám sát các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông à các đối tượng cần kiểm soát"- dự án đặt mục tiêu.
Đồng thời lắp đặt camera chuyên dụng giám sát giao thông thông minh, giám sát xử lý vi phạm, giám sát đối tượng cần theo dõi quản lý khi có yêu cầu dựa trên nhận dạng khuôn mặt…
Nâng cấp tính năng phần mềm hiện có tại trung tâm theo hướng tự động cập nhật dữ liệu, phân tích dữ liệu theo yêu cầu như: Tự động phát hiện xe vi phạm, tự động cảnh báo các điểm ùn tắc giao thông và các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, tự động cảnh báo, hiện thị xe thuộc diện phải giám sát (xe mất cắp, xe tai nạn bỏ chạy, xe đang trong chuyên án cần theo dõi…).
Công an thành phố Hà Nội là chủ đầu tư của dự án này; địa điểm đầu tư ở Phòng Cảnh sát giao thông.
Dự án 3 "Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt, Công an TPHCM"
Dự án sẽ xây dựng một trung tâm điều phối toàn bộ hoạt động giao thông và tự động giám sát an ninh trật tự trên địa bàn của TPHCM. Mục tiêu của dự án có nhiều điểm tương đồng, giống với dự án sẽ triển khai ở Hà Nội.
Trong đó cũng sẽ tích hợp bản đồ số quản lý camera lắp đặt trên địa bàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nhận diện khuôn mặt, biển số xe, giám sát các hành vi vi phạm. Chủ đầu tư dự án là Công an TPHCM.
Trong tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 2.150 tỷ đồng, dự án 1 sẽ khoảng 850 tỷ đồng, dự án 2 khoảng 650 tỷ đồng và dự án 3 khoảng 650 tỷ đồng.
Kinh phí cụ thể để triển khai đề án sẽ được tính toán trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn vốn để thực hiện là từ ngân sách nhà nước, bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan khác đã được triển khai để thực hiện nhiệm vụ.
Phân cấp chia sẻ dữ liệu camera
Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án; đánh giá hiệu quả, báo cáo kết quả thực hiện đề án, dự án theo quy định pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; quy định về quản lý, phân cấp chia sẻ dữ liệu camera giám sát về an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Đồng thời tổ chức nghiên cứu, sản xuất và xây dựng phần cứng, phần mềm hệ thống giám sát tiên tiến phục vụ phát hiện vi phạm, truy tìm phương tiện, tội phạm trên tuyến giao thông.
Bộ Giao thông vận tải đưa hệ thống camera giám sát là thành phần bắt buộc trong quá trình thiết kế, xây dựng mới các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông.