1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Hướng tới “đảo xanh” trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

(Dân trí) - Xây dựng và phát triển đảo Lý Sơn như thế nào hợp lý mang tính bền vững? Đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia quan tâm, góp ý; trong đó, nhiều ý tưởng được để cập phát triển kinh tế, nông nghiệp và du lịch gắn với môi trường xanh ở đảo tiền tiêu.

Đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý (tương đương 28km) về phía Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 90 hải lý và là điểm quan trọng trên đường cơ sở phân định ranh giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

Hiện nay, đảo Lý Sơn có diện tích tự nhiên khoảng 10km2 bao gồm đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu. Trên đảo hình thành 5 hòn núi dạng bát úp do tác động của núi lửa, trong đó đỉnh cao nhất là núi Thới Lới (chiều cao 169m). Dân số có 5.575 hộ (21.622 nhân khẩu); trong đó 4.036 hộ nông lâm nghiệp(chiếm 72,39% dân số), 1.539 hộ phi nông nghiệp (27,61%).

Với tiềm năng về biển đảo, huyện Lý Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về mục tiêu phát triển của Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020.

Tại Hội thảo Quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn” vào đầu tháng 10/2014. Ông Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra định hướng phát triển huyện đảo Lý Sơn gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển trong tình hình mới, đặc biệt về kế hoạch bảo vệ môi trường.

Hướng tới “đảo xanh” trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

Với 414ha đất nông nghiệp (trồng hành, tỏi, dưa hấu và cây bắp), Lý Sơn thu hút khách du lịch với không khí xanh và sạch.

Theo ông Lê Viết Chữ, môi trường được giữ vững cần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư với kế hoạch đến năm 2015, từ 75-90% chất thải được thu gom và xử lý; đến năm 2020 có 100% các loại chất thải được xử lý bằng công nghệ khoa học và hiện đại thân thiện với môi trường.

“Trong thời gian sắp tới, chúng ta cần đầu tư xây dựng 1 trạm quan trắc về môi trường gắn với công tác tuyên truyền, xây dựng nội quy bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phát triển nông nghiệp cùng kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở đảo Lý Sơn”, ông Chữ nhấn mạnh.

Hướng tới “đảo xanh” trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

Gần 55% dân số trực tiếp phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là điều kiện tốt phát triển đảo Lý Sơn xanh, sạch và đẹp trong tương lai.

Theo tham luận “Chiến lược phát triển huyện đảo Lý Sơn - Đi đầu trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” của TS. Nguyễn Quang – Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quang nêu tầm nhìn là đi đầu trong phát triển đô thị xanh – sạch – đẹp vì mục tiêu con người và đảm bảo an ninh quốc phòng.

TS. Nguyễn Quang đưa ra ý tưởng phát triển công nghiệp xanh trong mối liên quan chặt chẽ với tăng trưởng đô thị, gắn liền với các giải pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và bền vững; tăng cường những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và cứu hộ; tăng trưởng xanh trong quy hoạch và phát triển công nghiệp (năng lượng tái tạo, công nghệ biến nước biển thành nước ngọt và tái chế nước thải); mở rộng các dịch vụ cảng biển, sân bay, phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quang còn góp ý phát triển dịch vụ du lịch gắn liền với đô thị - nông thôn và vùng cùng mô hình du lịch sinh thái với cộng đồng, chẳng hạn như du lịch hệ sinh thái biển (du lịch dựa vào cộng đồng kết hợp bảo tồn hệ sinh thái biển), du lịch làng chài – nông nghiệp (trải nghiệm cùng nông dân trồng và thu hoạch tỏi hay đánh cá cùng ngư dân), du lịch khám phá tầng địa chất, du lịch văn hóa (lễ hội, thăm nhà cổ, di tích lịch sử và thắng cảnh) và du lịch tâm linh.

Hướng tới “đảo xanh” trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

Phát triển dịch vụ không khói, với văn hóa tâm linh ở chùa Hang cùng các địa danh, di tích khác trên đảo Lý Sơn.

Cùng với ý tưởng phát triển đảo Lý Sơn xanh, sạch và đẹp, TS. Trần Du Lịch – Đại biểu Quốc hội, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung - nhấn mạnh: “Phải duy trì và phát triển sản phẩm “tỏi Lý Sơn” phục vụ cho du lịch, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau sạch trồng trên cát, đây chính là sản phẩm sạch phục vụ cho hoạt động du lịch lưu trú lẫn khách vãng lai”.

Tỏi, hành là sản phẩm chủ đạo lôi cuốn khách du lịch và người dân địa phương.

Tỏi, hành là sản phẩm chủ đạo lôi cuốn khách du lịch và người dân địa phương.

Song song đó, TS. Trần Du Lịch gợi mở đề xuất chuyển toàn bộ dân (112 hộ với 502 nhân khẩu) từ đảo Bé qua đảo Lớn, với mục đích tạo quỹ đất sạch tổng thể ở đảo Bé giao cho nhà đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, kinh doanh dịch vụ,… Đồng thời, đề xuất Trung ương thông qua một số cơ chế riêng biệt cho đảo Bé.

Thông qua các ý kiến góp ý, xây dựng huyện đảo Lý Sơn phát triển bền vững trong tương lai đều gắn liền với kinh tế biển, du lịch sinh thái và nông nghiệp xanh. Dựa trên tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi, Lý Sơn hứa hẹn trở thành hòn “đảo xanh” trong tương lai khi được đầu tư đồng bộ gắn liền với thiên nhiên và biển cả.

Hồng Long