1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hương liệu “lạ” nhan nhản ngoài thị trường

Mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm một lần nữa nóng lên khi các siêu thị Co.op mart, Big C vừa đẩy hàng của Tân Hiệp Phát ra khỏi quầy và yêu cầu công ty này có giải trình rõ ràng việc bị cảnh sát phát hiện kho có chứa 26 tấn hương liệu quá đát…

Trong khi đó, các loại hương liệu không rõ xuất xứ tiếp tục được bày bán công khai trên thị trường.

 

Hương liệu “lạ” nhan nhản ngoài thị trường - 1

Hương liệu, hoá chất, trong đó có những loại dùng cho thực phẩm đang được bày bán như thế này.

 

Không chỉ có những cơ sở sản xuất thực phẩm công nghiệp biết mua hương liệu về pha chế nước giải khát đóng lon, làm kem, làm bánh mà ngay cả những tiểu thương cũng biết pha chế nước giải khát từ hương liệu như nước mía lau, rau má, cà phê expresso, cà phê caramel, trà sữa trái cây…

 

Bà Phạm Ngọc Thuý, chủ cơ sở bánh Thành Long khẳng định, thực phẩm không thể thiếu hương liệu nhưng vấn đề là cần dùng hương liệu loại nào.

 

“Hàng của Anh, Pháp… gì đó”

 

Dọc theo đường Hồng Bàng (Q.5, TPHCM) là các cửa hàng bán hương liệu thực phẩm như: cà phê, bơ, ca cao, sữa… Các loại hương liệu chứa trong các can lớn trưng ra mặt tiền. Một số loại khác thì đựng trong các lọ nhỏ cho khách xem mẫu.

 

Một chiếc lọ nhỏ đựng loại dung dịch màu trắng đục được người bán giới thiệu là sữa đặc có đường, xuất xứ từ Pháp, có giá bán lẻ 130.000đ/kg, cùng với nó còn có bột cà phê, bột dừa, bột béo…

 

Tại một cửa hàng khác, cũng trên đường Hồng Bàng, chủng loại hàng rất phong phú: hương đào, dâu, nho, bưởi, hương tỏi, ớt, hành, thịt gà, trứng… Người bán cho biết, thông thường hương liệu trộn vào thực phẩm với tỷ lệ 0,1 - 0,3%. Khi hỏi về xuất xứ người bán chỉ cho biết đại khái là hàng ngoại nhập của Anh, Pháp gì đó.

 

Tại chợ Kim Biên, hương liệu ghi xuất xứ trên vỏ can nhựa là từ các nước: Mỹ, Pháp, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam... nhưng không có bao bì hoặc nhãn hiệu. Thông tin về sản phẩm chỉ có thể dựa trên nhãn viết tay được dán trên mỗi chai, vài dòng sơ sài như: hạn sử dụng (đa số từ 2009 - 2010), nhà cung cấp (thông qua công ty của Việt Nam), xuất xứ, giấy phép. Ngoài ra, không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc, các chất có trong sản phẩm.

 

Chợ Kim Biên bán hương lài, hương sen dùng ướp trà có giá 40.000đ/100g có thể ướp được… 500kg trà. Đối với loại hương dạng hạt, theo hướng dẫn của người bán muốn ướp trà thì nên phun cồn để hạt tan ra. Loại hương lài dùng ướp trà hoặc ướp khăn lạnh cũng là một.

 

Lại là nguyên liệu từ Trung Quốc

 

Bà Phạm, giám đốc công ty HA chuyên kinh doanh hương liệu thực phẩm ở quận 5 kể: “Do hương liệu chính hãng nhập từ châu Âu giá khá đắt nên hầu hết các chủ cơ sở, chủ hộ sản xuất nhỏ thường xuyên ghé vào chợ Kim Biên mua gói bột này, bột kia về pha chế với giá rẻ chỉ bằng 20 - 30% hàng nhập chính hãng”.

 

Bà cũng nói rõ, hầu hết hương liệu không có nhãn, không có thành phần, không có công thức hướng dẫn sử dụng… đều có nguồn gốc không rõ ràng, đa phần là nhập từ Trung Quốc, sau đó tuỳ theo từng nơi bán, người bán còn có cách pha chế, gia giảm theo cách riêng của họ. Với thực phẩm, quy định phải dùng hương liệu có gốc hữu cơ, nhưng khó lòng biết được cơ sở sản xuất dùng loại vô cơ hay hữu cơ.

 

Ghé vào một điểm bán trên đường Hồng Bàng, các gói chống mốc, bịch loại 1,2kg có giá 50.000đ, gồm 1.000 gói nhỏ có xuất xứ Trung Quốc nhưng bên ngoài in toàn tiếng… Anh.

 

Một cán bộ lãnh đạo của Chi cục quản lý thị trường (CCQLTT) cho biết, ngày 18/5, CCQLTT đã phối hợp với đội C15 (Tổng Cục Cảnh sát) thu giữ ba container hoá chất (chủ yếu là hoá chất thực phẩm) và các loại hoá chất rời đã hết hạn sử dụng từ năm 2003 đến năm 2008. Ngày 3/6, đội quản lý thị trường quận 5 và huyện Bình Chánh đã tịch thu và đưa về kho sáu tấn hoá chất không có nguồn gốc xuất xứ, chỉ đựng ở trong bao, không có nhãn mác, không có hạn sử dụng và hàng tấn hoá chất chưa được phân luồng hóa chất cụ thể của một doanh nghiệp kinh doanh hoá chất. Hầu hết các loại hoá chất cấm bán trên thị trường đều không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Nhiều năm nay, việc kinh doanh, buôn bán hoá chất ở chợ Kim Biên, quận 5 vẫn diễn ra rất phức tạp, lực lượng kiểm tra khó kiểm soát. Hoá chất độc hại còn được tuồn về các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, được lưu hành bằng nhiều hình thức nguỵ trang khác nhau.

 

Khi nói đến việc buôn bán hoá chất ở chợ Kim Biên, vị cán bộ của CCQLTT nhận xét: Các hộ kinh doanh này khôn lắm, họ không bán những hoá chất cấm ngay trong các kho hàng trong chợ. Khi khách hàng đến hỏi mua hàng thì họ hỏi cần mua loại nào và hẹn đến một nơi khác để giao hàng.

 

Hiện nay các quận, huyện cấp phép cho doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh hoá chất cũng ghi chung chung là hương liệu chứ không phân biệt loại dùng trong công nghiệp hay thực phẩm. Quản lý chợ cũng không thể nào phân biệt bằng mắt thường vì hoá chất độc hại được dán nhãn là những hoá chất được phép bán.

 

Theo Nhóm PV

 Sài Gòn tiếp thị