1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hướng dẫn viên nói xuyên tạc lịch sử, chủ quyền quốc gia: Phạt tới 40 triệu đồng

(Dân trí) - Việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia ở Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 35- 40 triệu đồng. Hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động “chui” có thể bị phạt từ 25 30 triệu đồng.

Đó là thông tin được nêu ra trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đang được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định.

Nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in đường lưỡi bò phi pháp đến Nha Trang cách đây không lâu (ảnh: Facebook)
Nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in "đường lưỡi bò" phi pháp đến Nha Trang cách đây không lâu (ảnh: Facebook)

Hoạt động du lịch có nhiều vi phạm

Theo Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch - cơ quan soạn thảo luật Du lịch, luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 có rất nhiều điểm mới so với Luật Du lịch năm 2005. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành không được lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật; phải công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử; phải mua bảo hiểm cho khách du lịch.

Trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, chủ cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch không được quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch hoặc quảng cáo về loại, hạng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Hướng dẫn viên du lịch được hành nghề khi thỏa mãn 3 điều kiện là có thẻ hướng dẫn viên; có hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch…

Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cho biết thực tiễn hoạt động du lịch thời gian qua có nhiều hành vi vi phạm của các đối tượng nhưng lại chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Điển hình như việc hai doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành ký hợp đồng hợp tác mỗi doanh nghiệp tiến hành thực hiện một phần của chương trình du lịch (một doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin xét duyệt nhân sự, một doanh nghiệp thực hiện việc đón, đưa và tiễn khách du lịch...). Hay như việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bán hợp đồng kỳ nghỉ cho khách du lịch... Các hành vi này phát sinh trong thực tiễn nhưng trong Luật Du lịch và các Nghị định số 158/2013 và Nghị định số 28/2017 chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này.

“Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải có sự nghiên cứu đánh giá một cách hết sức tổng quát cũng như chi tiết, cụ thể để không những xử lý triệt để được các hành vi vi phạm mà còn đảm bảo được lượng khách du lịch cũng như sự phát triển bền vững của ngành du lịch nước ta trong thời gian tới”- Bộ này cho hay.

Phạt du khách gây phương hại hình ảnh quốc gia

Dự thảo nghị định đề xuất phạt tiền từ 25-30 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Không quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch; hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; người nước ngoài nhập cảnh hoạt động du lịch tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người nước ngoài nhập cảnh hoạt động du lịch không đúng mục đích, chương trình đã đề nghị xin cấp thẻ tạm trú, thẻ thường trú;

Phạt tiền từ 35- 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia.

Điều 13 dự thảo nghị định về vi phạm quy định về nghĩa vụ của khách du lịch, đề xuất phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng với hành vi không ứng xử văn minh, không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch; không thanh toán tiền phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định. Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; buộc gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định; buộc lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo theo quy định; buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch,…

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm