1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Hung thần” phát sinh từ cách quản lý chiếu lệ

Quản lý hoạt động vận tải kiểu làm cho có tại nhiều địa phương đang là nguyên nhân chính khiến nhiều “hung thần” xuất hiện, tung hoành trên quốc lộ.

“Lỗ hổng” này phát sinh từ khâu đào tạo đến cấp phép, hậu kiểm - nơi vốn được coi là “gốc rễ” kiểm soát các hoạt động vận tải - chưa được làm chặt chẽ. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị Chính phủ kiên quyết xử lý tình trạng trên và kịp thời bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

 

Tràn lan vi phạm

 

Theo kết quả thanh tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải của Bộ GTVT tại 21 tỉnh, thành phố, có tới 80 - 90% số xe vận tải khách thường xuyên chạy quá tốc độ 80 km/giờ trên những cung đường chỉ cho phép chạy tối đa 80 km/giờ. Trong khi Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép lái xe khách chạy liên tục 4 giờ và không được lái quá 10 giờ/ngày, thì hầu hết doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc quy định này, thậm chí nhiều xe chạy “việt dã” không nghỉ 10 giờ liền/ngày… Bình Dương, Long An, Bình Thuận… là những địa phương có số xe vi phạm tốc độ nhiều nhất, thậm chí có xe thường xuyên chạy với tốc độ lên tới 110 - 130 km/giờ.

 

Việc cấp phép, quản lý vận tải kinh doanh hàng hóa container còn bị nhiều địa phương xem nhẹ.
Việc cấp phép, quản lý vận tải kinh doanh hàng hóa container còn bị nhiều địa phương xem nhẹ.

 

Tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ từ 1 - 3 xe (chiếm tới 50% số doanh nghiệp vận tải được kiểm tra). Phần lớn các doanh nghiệp vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có bộ phận theo dõi, nhưng không hoạt động theo quy định. Ngoài lỗi vi phạm quy định về an toàn, công tác quản lý điều hành tại nhiều doanh nghiệp vận tải hết sức yếu kém. Điển hình, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua kiểm tra có 3/5 doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với lái, phụ xe chỉ là hình thức, không có sự quản lý đối với những lái, phụ xe này…

 

Qua thanh tra, Bộ GTVT phát hiện quá nhiều “lỗ hổng” trong công tác cấp phép, hậu kiểm tại các địa phương. Nhiều doanh nghiệp vận tải của tỉnh Lào Cai được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải ngay cả khi còn thiếu các giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện kinh doanh. Tại tỉnh Bình Dương, có doanh nghiệp trước đây được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, nay đã ngừng hoạt động, nhưng cơ quan quản lý địa phương “quên” không thu hồi giấy phép...

 

Một vụ tai nạn giao thông do lái xe chạy ẩu.
Một vụ tai nạn giao thông do lái xe chạy ẩu.

 

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng container. Đơn cử, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh mới chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho 98/1.710 doanh nghiệp, với 1.016/8.211 xe; Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu mới cấp cho 1/16 đơn vị, với 54/323 xe...

 

Bộ GTVT cũng thống kê, hiện có 16/63 tỉnh, thành phố chưa có phòng quản lý vận tải thuộc Sở GTVT. Tại nhiều Sở GTVT, bộ phận quản lý vận tải được ghép chung với bộ phận quản lý phương tiện, dẫn đến việc quản lý vận tải bị buông lỏng. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải cũng trong tình trạng tương tự. Việc xử lý thiếu kiên quyết, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp và bến xe khách liên tục vi phạm, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vẫn được cấp giấy phép kinh doanh… Hiện còn có tình trạng nhiều chủ xe đứng ra "thuê tư cách pháp nhân" của doanh nghiệp, sau đó chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà buông lỏng quản lý. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn ký hợp đồng lao động với lái, phụ xe chỉ để hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải, còn trên thực tế, họ không quản lý, sử dụng lái, phụ xe đó.

 

Một thực tế đáng lo ngại nữa là nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra thời gian qua có nguyên nhân chủ yếu do lái xe bất cẩn, coi thường tính mạng của người đi đường và bản thân. Nhiều vụ tai nạn do phụ xe mới có bằng lái đã cầm vô lăng. Trong khi yêu cầu đối với lái xe, ngoài việc đủ sức khỏe, phải có thêm tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, am hiểu tính năng của xe, luật lệ giao thông và có kinh nghiệm xử lý khi gặp sự cố. Rõ ràng, việc nhiều doanh nghiệp vận tải thờ ơ với công tác thẩm định hồ sơ tuyển dụng lái xe; các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý ở các trường đào tạo lái xe, dễ dãi trong đào tạo đã tạo ra những "hung thần" trên đường.

 

Chấn chỉnh công tác quản lý

 

Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc thực tế nêu trên. Qua đó, Bộ GTVT đã tịch thu, đình chỉ sử dụng giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải của 41 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép kinh doanh của 31 doanh nghiệp, thu hồi hơn 300 phù hiệu và sổ nhật trình vận tải của các doanh nghiệp vi phạm.

 

Bộ GTVT cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý kinh doanh vận tải. Đặc biệt, Bộ kiến nghị Chính phủ phê bình 6 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn do buông lỏng công tác quản lý và cấp phép, thanh tra đối với đơn vị vận tải container, chưa thực hiện tốt công tác quản lý vận tải, có nhiều đơn vị vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép; yêu cầu 12 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ sớm chấn chỉnh công tác quản lý vận tải.

 

Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ GTVT cũng kiến nghị cho phép sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; có quy định riêng về loại hình doanh nghiệp kinh doanh vận tải và chỉ đạo các địa phương lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện đối với các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô. Các địa phương xử lý nghiêm những vi phạm về buông lỏng quản lý hoạt động của phương tiện và lái xe; đơn vị không bảo đảm điều kiện kinh doanh, khoán trắng cho lái xe hoặc cho thuê phương tiện, cố tình không xin giấy phép kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh vận tải không có giấy phép... Kết quả thanh tra, xử lý phải được công khai, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương.

 

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 42 địa phương còn lại, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Quy định rõ trách nhiệm của chủ xe

 

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phân định rõ trách nhiệm của Bộ, chính quyền địa phương, các Sở và của doanh nghiệp. Lâu nay, khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng thường xử lý trách nhiệm của lái xe, nhưng chưa đề cập rõ trách nhiệm quản lý của nhà nước, của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện. Có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp không ký hợp đồng, nhưng khoán trắng cho lái xe, mỗi tháng buộc lái xe nộp một khoản tiền nhất định. Nếu cứ khoán trắng như vậy thì việc lái xe chạy quá số giờ, quá tốc độ còn sẽ diễn ra. Do đó, trách nhiệm của chủ xe phải được quy định rõ. Bộ đang kiến nghị Chính phủ đưa các loại hình vận tải bằng ô tô vào diện kinh doanh đặc biệt.

 

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Ít có cơ hội xử lý tình huống khi chạy quá tốc độ

 

Khi chạy quá tốc độ, nếu có tình huống bất ngờ trên đường, lái xe gần như không có cơ hội xử lý. Rõ ràng việc buông lỏng quản lý hoạt động vận tải, nhất là khoán trắng cho chủ xe, lái xe, phụ xe của các doanh nghiệp vận tải và địa phương, khiến lái xe có tâm lý coi thường tính mạng bản thân và người tham gia giao thông. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ TNGTnghiêm trọng.

 

Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Hà Nội): Nhiều nhà xe sẵn sàng chạy “dù”

 

Thực tế, các biện pháp xử lý đối với các đối tượng vi phạm Luật Giao thông chỉ giải quyết được phần ngọn. Nhiều lái xe tái phạm liên tiếp trong thời gian dài chứng tỏ các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe. Theo thông tư 14/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT, chỉ khi xe đăng ký tại bến bỏ lượt từ 30% trở lên mới bị đình chỉ hoạt động tại bến. Với biên độ 30% này, nhiều nhà xe và lái xe sẵn sàng cho xe chạy dù ngoài bến, vi phạm các quy định, thậm chí gây tai nạn, mà vẫn không sợ bị đình chỉ. Do đó, có thể thấy, một trong những nguyên nhân sâu xa của các vụ TNGT chính là sự buông lỏng kiểm tra, giám sát và sự tùy tiện trong cấp phép cho xe chạy tuyến ngay tại các bến xe của các địa phương.

 

Theo Tiến Hiếu
 Báo Tin tức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm