1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên Huế:

Huế đề nghị bổ sung đối tượng bị thiệt hại do sự cố Formosa

(Dân trí) - Các huyện, thị xã tại Huế đề xuất, một số đối tượng tham gia các nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ kinh doanh liên quan đến biển bị thiệt hại cần được xem xét, thẩm định để bổ sung vào diện bồi thường, nhằm đảm bảo sự công bằng, không bỏ sót đối tượng.

Chiều 14/10, Đoàn công tác liên Bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, Tài chính và Y tế do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác thống kê thiệt hại và thực hiện bồi thường do sự cố môi trường biển.

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản hoàn tất các thủ tục, phương thức chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân. Các địa phương đã tiến hành niêm yết danh sách các đối tượng được bồi thường thiệt hại. Sau khi niêm yết danh sách từ 3 đến 5 ngày sẽ tiến hành chi trả.

Từ kinh phí tạm cấp của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định phân bổ 400 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi có mục đích của tỉnh, tạm cấp cho UBND các huyện, thị xã để chi trả trước cho người dân 50% số tiền được bồi thường thiệt hại.

Có 5 địa phương tại Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được chi trả gồm: huyện Phong Điền được cấp 48,173 tỷ đồng, Quảng Điền 27,902 tỷ đồng, Phú Vang 137,167 tỷ đồng, Phú Lộc 147,256 tỷ đồng và thị xã Hương Trà 39,502 tỷ đồng để chi trả cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Trung ương giải quyết dứt điểm việc đền bù đợt 1 cho người dân vùng bị thiệt hại, sớm ban hành các chính sách như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, mở rộng đối tượng hỗ trợ cho ngư dân theo chính sách đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67/CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đứng) báo cáo tiến độ thực hiện đền bù cho người dân với 400 tỷ đồng trả trước
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đứng) báo cáo tiến độ thực hiện đền bù cho người dân với 400 tỷ đồng trả trước

Riêng các huyện, thị xã tại Huế còn đề xuất một số đối tượng tham gia các nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ kinh doanh liên quan đến biển bị thiệt hại cần được xem xét, thẩm định để đề xuất Chính phủ bổ sung vào diện bồi thường, nhằm đảm bảo sự công bằng, không bỏ sót đối tượng.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản đã đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình hỗ trợ người dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển; đồng thời tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét, giải quyết.

“Đối với đề nghị bổ sung thêm đối tượng, tôi cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế cần liệt kê cụ thể đối tượng, lý do bổ sung và dự kiến bổ sung thêm đối tượng thì sẽ tăng chi phí bồi thường thêm bao nhiêu để đoàn có cơ sở báo cáo Trung ương xem xét” – ông Oai nhấn mạnh.


Đoàn làm việc liên Bộ cùng đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế đi khảo sát vùng biển có người dân thiệt hại ở Huế chiều 14/10

Đoàn làm việc liên Bộ cùng đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế đi khảo sát vùng biển có người dân thiệt hại ở Huế chiều 14/10

Đại Dương