Huế, Đà Nẵng khẩn trương chuẩn bị "đón" bão
(Dân trí) - Từ trưa ngày 17/9, tại Huế đã bắt đầu xuất hiện các cơn mưa to ngắt quãng, báo hiệu bão số 8 đang tiến gần. Tại Đà Nẵng, khả năng vừa có bão, vừa có lũ trên địa bàn đã được tính tới...
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh TT-Huế đã điều động các chiến sĩ xuống nhiều địa bàn xung yếu cùng địa phương phòng chống bão. Sử dụng ca nô tổ chức hướng dẫn các phương tiện vào khu vực neo đậu an toàn. Đến 13h30 chiều 17/9, thông báo bằng phương tiện thông tin liên lạc, đài canh các đơn vị cho các thuyền vào bờ. Hiện toàn tỉnh cón 13 phương tiện với 52 lao động đang di chuyển vào bờ. Số phương tiện này đã nắm được thông tin về hướng di chuyển của bão.
Trong hai ngày 17 - 18/9, tỉnh sẽ chuẩn bị phương án sơ tán dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở và vùng ven biển. Hiện tuyến đê 150m ở sát biển Hải Dương được xem là đê trọng yếu nhất vì nằm sát nhiều hộ dân đang sinh sống phía trong đê, đang được hàng trăm nhân dân, cán bộ địa phương và bộ đội đắp ra sức từ ngày từ ngày 15/9 sắp hoàn thành vào ngày mai (18/9).
Trên tuyến QL49 dẫn lên huyện miền núi A Lưới đang thi công nhưng với tốc độ chậm ì ạch do thiếu vốn đã có nhiều điểm rất khó đi do trơn trượt dễ gây nguy hiểm. Nếu bão lớn vào, nhiều khả năng sợ sẽ bị sạt lở, gây chia cắt huyện này với miền xuôi.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban thường trực Ban chỉ huy PCLB - TKCN TP Đà Nẵng, từ ngày 16/9 khi vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới đến khi hình thành cơn bão số 8, Ban chỉ huy PCLB - TKCN Đà Nẵng đã liên tục có 3 công điện để chỉ đạo các biện pháp ứng phó.
Theo báo cáo, tính đến 9h30 ngày 17/9, Đà Nẵng còn 122 tàu thuyền với 1.080 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 12 tàu thuyền với 213 lao động vẫn còn ở khu vực biển Hoàng Sa và Tây Bắc Trường Sa. Tuy nhiên, thông tin “nóng” tại cuộc họp thì trong số 12 tàu thuyền này có 9 tàu thuyền đã neo đậu tránh bão ở Hải Nam, 3 tàu thuyền neo đậu ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa).
Ngoài ra, trong tổng số 122 tàu thuyền còn ở trên biển, hiện ở các khu vực biển Hải Phòng có 15 tàu thuyền với 83 lao động, vùng biển từ Nghệ An đến Hà Tĩnh có 6 tàu thuyền với 57 lao động, từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có 73 tàu thuyền với 547 lao động, khu vực biển Khánh Hòa có 1 tàu thuyền với 11 lao động; ngoài ra có 15 tàu thuyền với 169 lao động đang trên đường vào Đà Nẵng trú bão.
Đáng chú ý, tại cuộc họp Ban chỉ huy PCLB - TKCN TP Đà Nẵng thông báo trên sông Hàn hiện còn khoảng 80 tàu thuyền chưa vào nơi neo đậu theo đúng quy định. Trong đó, ở hạ lưu cầu Rồng còn khoảng 60 tàu thuyền, đoạn thượng lưu cầu Rồng còn 20 tàu thuyền. Nếu không kịp thời giải tỏa, buộc phải vào nơi neo đậu an toàn thì khi có gió bão lớn, số tàu thuyền này sẽ rất dễ đứt neo trôi ra vịnh Đà Nẵng hoặc va đập vào các trụ cầu trên sông Hàn hết sức nguy hiểm.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao sự chuẩn bị đối phó bão số 8 của các ngành chức năng. Mặc dù cuộc họp khẩn, cuối giờ chiều nhưng lãnh đạo các ngành chức năng đều có mặt đông đủ và báo cáo đầy đủ.
Để chủ động đối phó với bão số 8, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị các địa phương, ban ngành chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống bão như: sẵn sàng triển khai phương án PCLB, thông báo cho nhân dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng triển khai phương án PCLB và phương án sơ tán nhân dân của địa phương, nhất là vùng hạ du các hồ chứa.
Ông Phùng Tấn Viết cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị hữu quan tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kêu gọi tàu thuyền vào bờ, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển. Đồng thời khẩn trương đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, nghiêm cấm tàu thuyền đi vào neo đậu trên sông Hàn, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn. Ban quản lý âu thuyền Thọ Quang phải khẩn trương chuẩn bị phương án sắp xếp tàu thuyền neo đậu trú bão.
Yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương có hồ chứa nước sẵn sàng triển khai phương án PCLB của hồ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các BQL dự án, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương hết sức lưu ý khả năng thoát lũ ở các địa bàn thường xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ do các công trình, dự án đang thi công gây ra, nhất là ở khu vực Hoà Liên (huyện Hoà Vang); yêu cầu Sở GD-ĐT căn cứ tình hình thực tế có thể cho học sinh nghỉ học nếu bão đổ bộ vào Đà Nẵng; yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện để cấp cứu kịp thời khi có tai nạn xảy ra do bão lũ...
Đại Dương - Công Bính