Kon Tum:
Hủ tục chia của cho người chết
(Dân trí) - Sống cách thị xã Kon Tum chưa đầy 20km nhưng người dân tộc Gia Rai ở Plei Ley, xã Ia Chim, hiện vẫn còn giữ tập tục chia của theo người chết, gây nên cảnh nghèo khó, khốn đốn ở nhiều gia đình vốn không lấy gì dư dả.
Tại khu nghĩa địa của Làng Lây vào một buổi chiều vọng lên tiếng gào khóc não nề của một người phụ nữ. Người này vừa khóc vừa dọn dẹp những khu mộ xung quanh. Đó là bà Y Myih (64 tuổi) cùng chồng là A Mong (71 tuổi).
Sau nhiều lần gạn hỏi, bà Y Myih kể bà vừa đem cơm ra cho con gái (con gái bà vừa qua đời và được chôn tại đây). Con gái bà tên Y Chưng, năm nay 20 tuổi, đang học lớp 10 trên thị xã thì về “bắt” chồng. Cưới nhau chưa đầy một tuần thì Y Chưng ngã bệnh rồi qua đời.
Bà Y Myih nói trong làn nước mắt: “Đã 5 tháng nay, từ ngày Y Chưng về với Giàng, gia đình mình đã giết thịt hơn chục con bò, con heo, còn gà thì nhiều lắm, không tính được”. “Làm cho con ấy mà!” - Ông A Mong cướp lời. Già A Nhiêu, người dắt tôi ra nghĩa địa, chỉ lên cây cột của khu mộ, nơi đang treo lủng lẳng nhiều bộ xương đầu bò, như minh chứng cho lời ông bà A Mong nói.
Bà Y Myih mở cửa vào phần mộ, tiếp tục dọn dẹp bên trong. Phía trước là di ảnh của Y Chưng kèm theo một tấm giấy khen “Học sinh tiên tiến”, phía dưới là chiếc tivi nội địa, bên phải là chiếc xe đạp mini còn khá mới. Ông A Mong giải thích, khi còn sống con gái ông rất thích xem tivi nên ông “chia” cho nó, để có cái giải trí nơi “đất Giàng”. Còn chiếc xe đạp là vì khi còn sống, Y Chưng thường đi học bằng xe đạp.
Ông Mong nói thêm: “Vì nhà chỉ có một chiếc xe máy, phải để cho A Chưr (em trai của Y Chưng) hàng ngày đi cạo mủ cao su. Nếu có hai xe máy thì mình cũng chia cho con gái một chiếc!”. Ngoài ra, trong phần mộ của người đã khuất còn có đầy đủ các vật dụng khác phục vụ cho đời sống hàng ngày như ghè rượu, gùi, dao rựa, nhiều chai lọ và cả quả bầu khô đựng nước.
Già làng A Nhiêu cho biết, đã 5 tháng nay, mỗi ngày hai lần, vợ chồng ông A Mong thay nhau đưa cơm và thức ăn ra phần mộ của con gái. Dù trời mưa hay nắng, dù công việc nương rẫy bận bịu đến mấy thì ông bà cũng thực hiện việc cơm nước cho người đã khuất đầy đủ.
Bà Y Myih nói: “Thức ăn thì tuỳ, mình có gì thì con ăn nấy. Mang đến khi nào chuẩn bị được 5 con bò và nhiều ghè rượu thì lúc đó sẽ tổ chức làm lễ bỏ mả, khi ấy coi như chấm dứt việc đưa cơm, thăm viếng hàng ngày”. Già làng A Nhiêu giải thích thêm: “Làm lễ bỏ mả tức là lúc này “con ma” sẽ sống tự lập cùng với “Giàng” và các đấng thần linh”.
Những ngôi mộ của người Gia Lai ở Làng Lây tất thảy phần phía trên được làm bằng với mặt đất, phía trên lợp mái, dựng vách như một ngôi nhà, dùng làm phần mộ chung cho nhiều người trong gia đình, cũng là nơi để đồ đạc, của cải mà người sống chia cho người đã khuất.
Khu mộ của gia đình ông A Mong đã chôn chung 5 người chết của 3 thế hệ. Già làng A Nhiêu giải thích: “Khi sống ai ai cũng thương yêu nhau, khi chết rồi cũng phải để cho “con ma” được ở gần bên nhau chứ. Không làm vậy “con ma” sẽ buồn và cô đơn lắm!”.
Đồng bào dân tộc Gia Lai phần lớn đời sống còn nghèo đói, lạc hậu. Hủ tục chia của theo người chết càng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Nhớ thương người đã khuất là một tình cảm đáng trân trọng, nhưng coi họ như người còn sống rồi cung phụng của cải vào đó thì quả là không nên.
Đại Hoà