1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hôn nhân đồng tính: Không cấm nhưng không thừa nhận

(Dân trí) - “Hướng đi phù hợp của pháp luật là không cấm và không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống của những người cùng giới, đồng thời có quy định về việc giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống này”.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ nêu quan điểm khi trao đổi với với báo chí về Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi. Theo ông Huệ, tinh thần dự thảo đang hướng tới phương án không quy định theo hướng cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ

Góp ý gửi về Bộ Tư pháp, nhiều bộ ngành ủng hộ hôn nhân đồng tính, nhưng cũng không ít ý kiến không đồng tình. Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi sẽ làm theo hướng nào, thưa ông?

Nhiều cặp đồng giới đã chung sống với nhau như vợ chồng, chính vì thế chúng ta không nên đặt câu hỏi cấm hay không cấm ở đây. Luật pháp hiện hành vẫn khẳng định cấm kết hôn đồng giới. Thực tiễn cho thấy việc sử dụng từ “cấm” mang tính khắc nghiệt, nặng nề. Vì thế Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi lần này cần phải tìm ra cơ chế xử lý thích hợp cấm hay không; thừa nhận hay không thừa nhận và nếu thừa nhận thì sẽ ở hình thức nào?

Tinh thần Dự thảo đang hướng tới phương án không quy định theo hướng cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, hướng đi phù hợp của pháp luật là không cấm và không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống của những người cùng giới, đồng thời có quy định về việc giải quyết về hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống này.

Thực tiễn trên thế giới có rất nhiều nước công nhận kết hôn đồng giới. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay chúng ta có nên làm theo họ hay không?

Trên thế giới hiện chỉ có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép hôn nhân đồng giới. Phần còn lại được chia làm 2 xu hướng một là nghiêm cấm nhiều và đi kèm với đó là sự trừng phạt nếu vi phạm; hai là có những nước dù không thừa nhận nhưng cũng không can thiệp về mặt hành chính. Thậm chí có những nước còn cho phép người đồng giới đăng ký kết hôn theo hình thức dân sự, có cuộc sống gia đình bình thường nhưng về mặt pháp lý thì vẫn không thừa nhận.

Đối với Việt Nam, luật được sửa theo hướng không dùng từ “cấm” nhưng lại vướng ở chỗ thực tế xã hội hiện vẫn chưa đủ điều kiện để công nhận hôn nhân đồng giới. Chính vì thế tinh thần của luật là sẽ đưa ra cách ứng xử nhân đạo để người đồng giới có cuộc sống hạnh phúc hơn. Tuy nhiên với hình thức như thế nào thì phải chờ Quốc hội quyết định.

Như vậy có nghĩa nhà nước sẽ để ngỏ cửa cho người đồng tính tự quyết định hôn nhân?

Một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi lần này là phải đảm bảo quyền tự do của con người. Và một khi đã cho người ta thực hiện quyền thì kèm theo đó phải có cơ chế, quy định để quyền đó không bị lạm dụng.

Vấn đề ở đây không phải chúng ta cho phép hay không cho phép người đồng tính kết hôn. Quan trọng hơn phải tìm ra giải pháp thỏa mãn nhu cầu từ thực tiễn. Đặc biệt, chúng ta càng không nên lo sợ Luật sẽ bị lạm dụng.

Nhu cầu từ cuộc sống thúc giục chúng ta phải ban hành luật sớm song không có nghĩa phải vội vàng vì đây là vấn đề tế nhị, phức tạp cần sự nghiên cứu bài bản nghiêm túc có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Trúc Linh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm