Hơn mười ngàn ngày đi tìm mộ người yêu
(Dân trí) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã qua đi hơn 30 năm nay. Nhưng ngần ấy thời gian, có một người con gái nhớ lời hẹn ước năm xưa, đã quên tuổi thanh xuân, quên hạnh phúc riêng, một mình lặn lội vào Nam tìm mộ người yêu.
Người con gái ấy nay là bà Phùng Thị Huệ, gần 60 tuổi, hiện trú tại thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1966, cô gái Phùng Thị Huệ vừa tròn 16 tuổi. Trong khí thế hào hùng của dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Huệ khai tăng thêm 2 tuổi, cuốc bộ 10 cây số lên gặp các anh cán bộ huyện Đoàn Nghi Xuân, xin gia nhập đội Thanh niên xung phong. Đơn của Huệ được chấp thuận. Mấy tuần sau đó, người con gái tạm biệt gia đình lên đường đi chiến đấu, đóng quân tại phía nam bờ sông Gianh.
“Ngày ấy - bà kể - thanh niên xung phong chúng tôi đang tuổi thanh xuân, hồn nhiên vui vẻ lắm, không hề biết sợ là gì. Dưới mưa bom bão đạn ác liệt của kẻ thù, đơn vị của tôi vẫn bám trụ kiên cường, san lấp hố bom thông đường cho xe bộ đội chở hàng ra tiền tuyến”. Chính trong những ngày đó, có người đồng đội ở cùng đơn vị đã thầm yêu trộm nhớ chị. Anh tên là Đặng Xuân Thọ, cùng quê Nghệ An, đẹp trai, hát hay, thường dạy chị hát những bài ca cách mạng, át tiếng bom rơi.
Hai người nhận lời yêu nhau chưa lâu thì chị Huệ bị thương, trở ra Bắc an dưỡng, sau đó trở về địa phương công tác. Còn anh Thọ vào học tại trường Trung cấp Hàng Hải. Năm 1972, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt, đang học tại Hải Phòng thì anh nhận được tin đau buồn: mẹ và em trai anh đã bị bom Mỹ giết hại. Căm thù giặc Mỹ, anh làm đơn xin nhà trường cho gia nhập quân đội để trả thù nhà, đền nợ nước.
Đêm chia tay người yêu, anh đọc tặng chị bài thơ “Đợi anh về” và động viên, hết giặc anh sẽ về. Chị thổn thức nói sẽ đợi anh, dù có phải đợi cả cuộc đời.
Năm 1973, tin dữ bay về, anh Thọ đã hy sinh anh dũng ngoài mặt trận. Đất trời như sụp đổ dưới chân chị, chị suy sụp hẳn…
Ai biết mộ liệt sĩ Thọ ở đâu, xin báo cho bà Phùng Thị Huệ, thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. |
Năm tháng trôi qua, chị vẫn sắt son lời thề chung thuỷ với người yêu, dù bố mẹ sốt ruột giục đi lấy chồng. Nhiều chàng trai đến ngỏ lời nhưng chị Huệ đều từ chối. Chị xin bố mẹ ra ở riêng một mình bên dòng sông Lam và sống bằng những hồi ức năm tháng chiến tranh, bằng tình yêu đầu đời. Chị tự hứa với lòng mình là sẽ đi tìm bằng được mộ anh và tự coi mình như là vợ của anh.
Bao nhiêu năm làm lụng, chị tích cóp tiền của định xây nhà thờ cho anh, nhưng năm 1989, một cơn lũ khủng khiếp đã tràn qua vùng quê chị, cuốn trôi hết toàn bộ tài sản. Không nản chí, chị vẫn ngày ngày đi bán cá kiếm tiền, dựng một túp lều bé nhỏ ven dòng sông Lam để có chỗ đặt bàn thờ cho người yêu.
Chị tự coi mình là con dâu của gia đình anh. Hàng năm, cứ đến ngày anh hy sinh và ngày 27/7, chị đều làm giỗ cho anh cẩn thận. Những lúc nhớ anh, chị vẫn giở sổ viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt.
Và suốt hơn 30 năm qua, chị đã hàng chục lần tự mình mò mẫm đi tìm mộ anh. Với tờ giấy báo tử số 215 do Đại tá Hồ Bá Phúc ký ngày 1/6/1974, ghi vỏn vẹn mấy dòng, báo “liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hy sinh ngày 26/1/1973, tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”, người con gái chưa một lần được làm vợ, làm mẹ, đã lên đường lặn lội tìm mộ người yêu. Chị đi khắp Quảng Trị, Khe Sanh, Đồng Nai, Tây Nguyên rồi Tây Ninh; bàn chân bé nhỏ mà kiên cường của chị đã in dấu khắp các nghĩa trang Trường Sơn, Việt Lào, Đường 9 và bìa rừng Trường Sơn; nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt anh Thọ.
Cứ có thời gian rảnh rỗi là chị lại chăm chú đọc báo, xem ti vi, nghe đài, đến mục Nhắn tìm đồng đội là chị lại mở sổ ghi chép, lòng sắt son một niềm tin: Sẽ có ngày chị tìm được mộ người yêu.
Từ một cô gái thanh tân, sau hơn 30 năm đợi chờ và đi tìm mộ người yêu, giờ đây chị đã trở thành bà Phùng Thị Huệ gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, đau ốm liên miên những lúc trái gió trở trời bởi vết thương cũ. Nhưng tất cả những điều đó không khiến bà bận tâm. Bà chỉ day dứt một nỗi duy nhất, chưa xây cho anh được căn nhà thờ và chưa tìm đưa được mộ anh về.
Lê Kế Hùng