Hơn chục căn nhà “lao” xuống sông Hồng

(Dân trí) - Chỉ trong một đêm, 11 căn nhà ở tổ 2 thôn Yên Tân, phường Ngọc Thụy (Long Biên - Hà Nội) bỗng nhiên lún sụt và đổ ào xuống sông Hồng. Chiều nay, 5 ngày sau tai họa, trước những nền nhà nứt vỡ chằng chịt, bị tách đôi và rơi rụng dần vào lòng sông, người dân nơi đây vẫn chưa kịp hoàn hồn.

Tai họa trong đêm

 

15 giờ chiều nay, 11/10, chúng tôi có mặt tại khu vực ngách 175/14 phường Ngọc Thụy khi hàng trăm người dân nơi đây cùng lực lượng dân phòng đang hoàn tất những nỗ lực cuối cùng để di chuyển đồ đạc và con người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

Tại khu vực sân ngôi nhà số 3, đập vào mắt là chằng chịt những vết nứt vỡ và khoét sâu xuống nền đất. Anh Hoàng Lôi Vũ, chủ căn nhà này không giấu nổi nét kinh hoàng kể lại: “Đêm 5/10 khi cả gia đình đang nằm trong nhà thì đột nhiên có tiếng rít rất sâu từ phía gầm nhà. Mọi người không ai bảo ai đều khuân ít đồ trong người và ù chạy ra phía ngoài. Chỉ ít phút sau, toàn bộ phần sân nhà và nhà kho đã nằm gọn dưới mép nước”.

 

Hơn chục căn nhà “lao” xuống sông Hồng - 1

 

Từ trước đó 5-7 ngày, toàn bộ khoảng sân sau rộng gần 100m2 của ngôi nhà này đã xuất hiện những vết nứt lớn chạy ngang dọc và khung nứt ngày càng lan rộng. Và đến 14 giờ chiều nay, khoảng sân ít ỏi còn lại của ngôi nhà cũng chìm dần trong nước.

 

Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên gồm 38 tổ dân phố, trong đó có 11 tổ nằm ở ngoài đê, với 1.600 hộ và 7.000 người (6 tổ nằm giữa hai con sông Hồng và sông Đuống, 5 tổ nằm ngoài đê sông Hồng).

 

Chính vì vậy, nhiều hộ dân ở phường Ngọc Thuỵ liên tục bị đe doạ bởi sạt lở đất, nguy cơ mất đất, mất nhà là điều khó tránh khỏi.

Tình cảnh của gia đình anh Vũ cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều hộ dân nơi đây phải chịu cảnh đứng nhìn mồ hôi nước mắt sau bao năm gây dựng của mình bỗng chốc đổ sông đổ biển.

 

Ngay gần khu đất bị sụt của nhà anh Vũ, nhà của ông Nguyễn Văn Tám cũng trong tình trạng tương tự. Khi chúng tôi có mặt tại đây, toàn bộ những gì còn sót lại từ ngôi nhà của chủ nhà này chỉ còn trơ lại là những cột, tường đổ nghiêng ngả, từng mảng tường nham nhở nằm vắt vẻo bên bờ sông lở há toác.

 

Đứng tần ngần bên những xác nhà bỏ không, nằm vắt vẻ trên những triền đất bồi đã bị khoét sâu dưới đáy hàng mét, bà Nguyễn Thị Quý (trú tại số nhà 31, tổ 2, thôn Yên Tân) kể lại trong nỗi kinh hoàng: “Đã mấy mươi năm sinh sống ở đây tôi chưa từng bao giờ chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp như thế.

 

Từ nhiều tuần nay, tiếng ầm ào vọng về từ phía bờ sông hằng đêm đã khiến người dân sống trong nỗi hoang mang không biết bao giờ ngọn nước đục ngàu sẽ lấn tới đất nhà mình?”.

 

Nguyên nhân sạt lở

 

Theo phản ánh của người dân, từ nhiều tuần nay, khu vực bãi bồi ven sông Hồng tại đây xuất hiện một nhóm người lạ mặt với phương tiện tàu thuyền khá hiện đại đến nạo hút cát. Họ cho rằng, chính chủ trương nắn dòng làm thay đổi mạch sông, kèm theo đó là hiện tượng khai thác cát trái phép là nguyên nhân khiến hình thành những dòng ngước xoáy cực mạnh, khoan sâu vào bờ. Vì thế sụt đất là điều… đương nhiên (?!).

 

Tất nhiên, đây chỉ là lý giải của người dân. Điều cần thiết nhất lúc này là những lời giải thích từ phía những cơ quan có trách nhiệm.

 

Hơn chục căn nhà “lao” xuống sông Hồng - 2
 

 

Theo văn bản số 74/QLĐ của Hạt quản lý đê số 5 báo cáo tình hình phát triển sạt lở bờ bãi sông thuộc khu vực tổ 2 phường Ngọc Thụy ngày 10/10, nguyên nhân của hiện tượng sụt đất đêm 5/10 là khu vực đã có phần bãi bồi lòng sông bị sạt lở cuối năm 2006, do tác động của dòng chảy áp sát bờ tả đã gây xói tiếp phần bãi bồi làm cho đất sát bờ sông bị nứt và sạt lở.

 

Hạt quả lý đê số 5 nhận định, theo diễn biến dòng chảy ở khu vực này thời gian quá, nhất là đợt lũ lên nhanh ngày 5/10, dòng chủ lưu từ K64+700-:-K66+100 thường xuyên áp sát phía bờ tả sông Hồng. Do vậy việc sạt lở bờ bãi sông còn có khả năng xảy ra.

 

Trong khi đó, theo một chuyên gia trong ngành địa chất, hiện tượng sạt lở ở thôn Yên Tâm có thể được giải thích do Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 6 cửa xả đáy từ hôm 5/10 để giảm áp lực nước từ thượng nguồn sông Đà nên mực nước tại hạ lưu lên nhanh, gây ra hiện tượng sạt lở tại nhiều khu vực bờ sông Hồng thuộc địa phận 5 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội và Vĩnh Phúc.

 

Hoàn tất di tản dân ngay trong đêm nay

 

Hơn chục căn nhà “lao” xuống sông Hồng - 3

Dân phòng dọn đồ di dời cho nhà ông Phạm Ngọc Huỳnh.

 

Ông Nguyễn Nam Chính, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: Ngay sau khi nhận được báo cáo, UBND phường đã cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm và xây dựng phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

 

Hiện địa phương đã hoàn thành việc di tản 6 hộ dân trong khu vực. Dự kiến đến hết đêm nay (11/10), toàn bộ hộ dân trong khu vực nguy hiểm sẽ đưa đến trụ sở tổ dân phố số 2 để lánh nạn.

 

Phúc Hưng