1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hơn cả máu đào

Hai bà già, một người 85 tuổi bệnh tật, một người 75 tuổi mù loà, nương tựa nuôi nhau hơn 45 năm ròng rã, nhưng họ không phải là chị em ruột thịt.


Hơn cả máu đào - 1

Bà Bổ (bên trái) và bà Lã trong bữa cơm trưa đạm bạc
 

Sâu tận cùng một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Công Nhàn thuộc ấp Long Thị B, thị trấn Tân Châu (An Giang) có một căn nhà lá nhỏ xíu, ọp ẹp, vá víu như cái chòi vịt. Nền nhà là những miếng tre ghép lại, phía dưới là mương nước đen ngòm, hôi hám. Trong căn nhà ấy, hai bà lão nương nhau tá túc. Bà Huỳnh Thị Bổ, 85 tuổi, bị một bướu gân lớn ở bắp chân trái, nhưng hàng ngày vẫn lặn lội đi bán vé số kiếm tiền nuôi bà Phan Thị Lã, 75 tuổi, mù hai mắt.

 

Tôi tìm được nhà hai bà lão lúc giữa trưa. Trên sàn tre trước nhà, bà Bổ đang bới cơm cho bà Lã. Bữa cơm trưa, thức ăn là một tô canh rau nấu suông, chén nước tương dầm ớt và tô mì, hủ tiếu xào với rau cải. Bà Bổ tay gắp thức ăn cho bà Lã, miệng cười móm mém, nói: “Hai chị em tui mỗi tháng ăn chay mười ngày, mấy ngày còn lại trong tháng phần lớn cũng… ăn chay, lâu lâu mới dám mua mớ cá nhỏ, ít thịt vụn về ăn”.

 

Bà Lã ngưng và cơm, phân bua thêm: “Tui nói với chỉ (bà Bổ) hoài, tui hổng thấy đường, nên ăn chay như vầy cho tiện, ăn cơm với thịt, cá hổng thấy đường tránh xương. Nhưng chỉ đâu có nghe, lâu lâu mua cá về kho, ngồi lựa từng cọng xương, lấy miếng nạc cho tui ăn”.

 

Giữa thời anh chị em ruột thịt sẵn sàng lôi nhau ra toà, chém giết nhau vì tranh giành miếng ăn, mảnh đất, chuyện hai bà lão bệnh tật mù loà nuôi nhau, cứ như là chuyện cổ tích. Bà Bổ nói, bà và bà Lã quen biết nhau từ rất lâu, hồi hai người còn rất trẻ. “Hồi đó tui đi làm công quả trong một ngôi chùa ở Tân Châu, thấy nó mù hết hai mắt, sống tá túc trong chùa, tội nghiệp lắm. Hỏi ra mới biết tui với nó cùng quê Hồng Ngự, Đồng Tháp, nhưng khác xã. Nhiều lần gặp nhau như vậy, tới năm 1963, tui kêu nó về ở chung với tui, có chị có em, vì tui cũng chẳng có gia đình, con cháu ở gần”, bà Bổ nhớ lại.

 

Hồi đó, bà Bổ, bà Lã sống trong một căn chòi nằm sát mép nước sông Tiền ở thị trấn Tân Châu, hàng ngày bà Bổ đi làm thuê làm mướn đủ thứ nghề, ai kêu gì làm nấy, kiếm tiền mua gạo, thức ăn cho hai người; bà Lã suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Sau nhiều đợt lở đất bờ sông, hết chỗ chạy, năm 1985 hai bà già dắt díu nhau vào con mương nước đen ở ấp Long Thị, cất một cái chòi, trú mưa nắng cho đến nay.

 

“Tới năm 2005, lúc chỉ hết sức đi làm thuê làm mướn, mới nhận vé số về bán, mỗi ngày bán năm chục tờ, kiếm tiền nuôi cái thân mù loà của tui”, bà Lã nói giọng nghèn nghẹn, từ hai hốc mắt trống rỉ ra những giọt nước đùng đục.

 

Xong bữa cơm trưa đạm bạc, bà Bổ nhường cho bà Lã chiếc võng trước hiên nhà, còn mình ngồi dựa vào vách tre, nhắc chuyện đời. Bà Bổ nói, ngày nào cũng vậy, ba giờ chiều là bà tới đại lý vé số lấy 50 tờ, đi bán tới chạng vạng thì về nấu cơm, nấu nước. Hừng sáng bà lại tiếp tục đi bán, đến khi nào hết vé số thì ghé chợ mua mớ thức ăn về nấu cơm trưa. Vén ống quần sờn cũ cho tôi xem bắp chân trái bị nổi cái bướu gân thật to, bà Bổ cười móm mém: “Đi nhiều nó nhức lắm cậu. Nhưng nhờ bà con ở thị trấn thương tình mua giúp vé số nên ngày nào chừng 11 giờ, 12 giờ trưa là tui bán hết. Mỗi ngày lời được 40.000 đồng, hai chị em sống cũng được”.

 

Tôi lựa lời hỏi bà Bổ tại sao bà và bà Lã chẳng thân thích ruột rà mà thương yêu, nuôi nấng chăm sóc còn hơn tình chị em cùng máu mủ, bà Bổ cười móm mém, nói: “Tui cũng không biết tại sao, thấy nó côi cút mù loà thì cầm lòng không đậu, đón về nuôi, chắc là tại phần số như vậy”. Ngồi trên võng, bà Lã rơm rớm nước mắt: “Chỉ nhường cho tui ngủ trong nhà, sợ gió máy sinh bệnh, còn chỉ thì ngủ ngoài cái chái. Thiệt tình, thân tui côi cút mù loà, chỉ lo lắng chăm sóc tui như ruột thịt, ơn này tới chết tui cũng không quên được”…

 

Khi bà Bổ nhắc đến chuyện hậu sự lúc tuổi già, bà Lã lại rơi nước mắt: “Tui ngày đêm cầu trời khấn Phật cho hai chị em tui về với ông bà một lượt, bởi chỉ mà đi trước, tui còn lại một thân một mình trên cõi đời này, biết sống làm sao trong cảnh mù loà, già yếu?”.

 

Theo Hùng Anh

Sài Gòn Tiếp Thị