1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hơn 90% đại biểu Quốc hội tán thành mở rộng Hà Nội

(Dân trí) - Chiều 29/5, Thủ tướng Chính phủ đã dành 40 phút giải trình về việc mở rộng Hà Nội. Sau khi nghe giải trình, 458/475 đại biểu, chiếm 92,9% tổng số đại biểu Quốc hội, đã nhấn nút tán thành việc mở rộng địa giới thủ đô và thời điểm có hiệu lực là 1/8/2008.

“Hà Nội mở rộng không phải là thành phố quá lớn”

Thủ tướng cho rằng, việc mở rộng thủ đô phù hợp với Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh thủ đô của Thường vụ QH. Thủ tướng nhấn mạnh, với phương án 1 (như đã trình QH), Thủ đô Hà Nội mở rộng mới có một không gian đủ lớn, đủ quỹ đất thuận lợi để xây dựng Thủ đô của cả nước với một không gian đô thị hiện đại bên cạnh một đô thị lịch sử, cổ kính, không chỉ trong thời gian 20 - 30 năm mà còn cả trong tương lai xa, nơi có môi trường trong lành, cảnh quan đẹp.

Quỹ đất để phát triển đô thị có nền địa chất thuận lợi cho việc xây dựng các công trình lớn và không ảnh hưởng nhiều đến đất nông nghiệp vì chủ yếu là đất gò, đồi chưa có nhiều công trình xây dựng... Hơn nữa, tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc là những địa phương tiếp giáp có nhiều mối quan hệ gắn bó lâu đời với Hà Nội và trong lịch sử đã có thời kỳ huyện Mê Linh và phần lớn địa phận của tỉnh Hà Tây thuộc về Hà Nội.

Theo Thủ tướng, với phương án này, khi nước ta đạt mức dân số ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô chiếm khoảng 10% dân số cả nước, đạt mật độ từ 3.500 đến 4.000 người/km2, tương đương với mật độ dân số ở Thủ đô của một số nước phát triển hiện nay như Pa ri (Pháp) 3.500 người/km2, Luân Đôn (Anh) 5.100 người/km2, Mát-xcơ-va (Nga) 3.629 người/km2, Tokyo (Nhật Bản) 4.400 người/km2, Bắc Kinh (Trung Quốc) 4.000 người/km2... Hiện nay trên thế giới có 17 thành phố và thủ đô có diện tích trên 3.000km2 . Như vậy, Thủ đô Hà Nội của chúng ta khi được mở rộng cũng không phải là thành phố quá lớn.

Theo phương án 1 mà Chính phủ trình Quốc hội, ranh giới thủ đô mới bao gồm: Hà Nội hiện tại, mở rộng thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình).  

 

Tổng diện tích tự nhiên của thủ đô là 334.470 ha, gấp 3,6 lần hiện nay. Dân số thủ đô mới là 6.232.940 với 29 đơn vị hành chính quận, huyện.

Nếu lựa chọn theo phương án 2, tuy cũng mở rộng về phía Tây, nhưng không gian mở rộng của Hà Nội sẽ không đủ điều kiện để đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và tiêu chí phát triển của một Thủ đô như đã nêu trên. Mặt khác, phần còn lại của tỉnh Hà Tây chỉ với 6 huyện thuần nông, điều kiện hạ tầng yếu kém sẽ rất khó khăn trong quá trình phát triển.

Cũng theo Thủ tướng, các phương án 3, 4, 5 đều đề xuất mở rộng ra các hướng xung quanh Hà Nội, có không gian mở rộng nhỏ hơn nên càng không thể đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu và tiêu chí phát triển của Thủ đô. Hơn nữa, phần lớn các diện tích được đề xuất mở rộng đều có các công trình, các dự án đã và đang xây dựng hoặc là đất trồng lúa ổn định có năng suất cao. Mặt khác, nếu chọn một trong các phương án này, hầu hết các tỉnh giáp ranh Hà Nội đều bị thay đổi địa giới hành chính, dẫn đến xáo trộn lớn về dân sinh và kinh tế.

Qua phân tích, so sánh, phương án 1 hội tụ được nhiều ưu điểm nổi trội, có số điểm cao nhất trong 5 phương án đề xuất mở rộng. Tuy nhiên, với phương án này, Chính phủ cũng nhận thấy những khó khăn, hạn chế và Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội sẽ được thực hiện tốt nhất.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội về thời điểm thực hiện, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thời điểm có hiệu lực là từ ngày 01 tháng 8 năm 2008.

Sắp xếp bộ máy đồng bộ, hợp lí

Theo Thủ tướng, trong phạm vi dự kiến mở rộng Thủ đô Hà Nội, có hơn 300 đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị, khu du lịch và khu công nghiệp đang được trình phê duyệt để triển khai. Nếu việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội để chậm lại thì các dự án này hoặc sẽ phải dừng lại chờ đợi tiếp, hoặc nếu cho phép tiếp tục triển khai theo thẩm quyền của địa phương thì có thể sẽ không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Thủ đô trong tương lai và sau này phải điều chỉnh lại sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội.

Giải đáp những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc chưa có qui hoạch chung, Thủ tướng cho rằng, theo quy định của Luật Xây dựng, Đồ án quy hoạch chung xây dựng của từng địa phương phải được lập trên địa giới hành chính đã được xác định và do chính quyền cấp đó chịu trách nhiệm tiến hành. Trên thực tế, khi chưa có địa giới cụ thể thì cũng chưa thể lập được quy hoạch xây dựng.

Để cung cấp thông tin, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Đề án định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Về việc lấy ý kiến nhân dân, Thủ tướng cho biết, theo quy định của pháp luật và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 6 khóa X, Chính phủ đã tổ chức việc lấy ý kiến Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan về việc mở rộng.

Về kinh phí cho việc thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: kinh phí cho việc hợp nhất các cơ quan của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, sẽ không phát sinh nhiều như các trường hợp chia tách vì không phải xây dựng thêm trụ sở, mua sắm ô tô, tài sản mới; còn cấp huyện, cấp xã sẽ được giữ nguyên. Khoản chi thường xuyên cũng không phải bổ sung vì khoản chi này đã được bố trí cho các địa phương trong kế hoạch ngân sách năm 2008. Chính phủ sẽ điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 của thành phố Hà Nội và các tỉnh liên quan cho phù hợp với địa giới hành chính mới.

Về tổ chức các đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội mới sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng cho rằng, việc tồn tại hai thành phố Hà Đông và Sơn Tây tương đương với thành phố thuộc tỉnh, là đơn vị hành chính cấp huyện, không trái với Hiến pháp. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu việc tổ chức lại hai thành phố này thành các đơn vị hành chính phù hợp.

Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Chính phủ sẽ khẩn trương làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước để chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy tổ chức và cán bộ của thành phố Hà Nội bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý và nhanh chóng ổn định, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Chính phủ và Hà Nội quan tâm giữ gìn các di tích lịch sử văn hoá, các nét văn hóa riêng tốt đẹp của từng địa phương.

Thủ tướng cũng cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch sử dụng đất và sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

 

Tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.

 

Chỉ đạo, tổ chức việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính của các địa phương; sắp xếp tinh gọn, hợp lí bộ máy hành chính, tổ chức các cơ quan điều tra và đội ngũ cán bộ, công chức; bảo đảm dân chủ, đoàn kết.

 

Chỉ đạo xây dựng đề án qui hoạch Thủ đô Hà Nội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, của nhân dân và báo cáo Quốc hội.

 

Hàng năm báo cáo Quốc hội về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết. 

 

Mạnh Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm