Hơn 800 hộ dân "sống treo" giữa lòng thành phố
(Dân trí) - Nhà xuống cấp không được sửa chữa, đường đi bị xới tung, hư hỏng, môi trường sống ô nhiễm... Đó là thực trạng mà những hộ dân thuộc diện di dời trong Dự án tiêu úng Đông Sơn đang phải chịu đựng.
Khổ vì dự án “rùa bò”
Tiêu chí là vậy nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án dang dở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng trăm người dân.
Giữa lòng thành phố, hàng trăm ngôi nhà dột nát, xiêu vẹo mà không thể sửa chữa vì chờ đền bù giải tỏa. Sửa hôm nay sợ ngày mai phải phá. Trong khi đó, việc giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư vẫn nằm trên giấy.
Ông Nguyễn Trọng Minh, ở khu phố 18, đường Mai An Tiêm, phường Lam Sơn, bức xúc: “Bên đền bù thì cứ chung chung, chúng tôi cứ phải chờ đợi mãi vẫn không có câu trả lời. Cũng chẳng biết sẽ đi đâu, giá đền bù bao nhiêu,...”.
Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng khu phố 18, phường Lam Sơn cho biết phố 18 có 15 hộ thuộc diện phải di dời, bên dự án đã kiểm kê tài sản từ năm 2009 nhưng đến giờ vẫn chưa trả tiền cho dân. Chính vì đã kiểm kê nên không ai dám tu sửa, xây mới nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Nhà cửa đã vậy, đường đi cũng không khá hơn. Thực tế cho thấy con đường hai bên bờ sông thuộc các phường Lam Sơn, Trường Thi, Đông Vệ, Nam Ngạn, xã Đông Hương… bị ủi tung, gây khó khăn cho việc đi lại. Các con sông sau hơn hai năm vướng dự án nên việc tiêu úng không được quan tâm, sông ứ đọng ngập rác.
"Vốn chưa rót về, chúng tôi lấy gì trả cho dân?"
Trao đổi với chúng tôi đề dự án, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban quản lý Dự án tiêu úng Đông Sơn, cho hay: “Vốn thì không có, đất tái định cư cho dân thì thành phố chưa lo được. Vốn nhà nước chưa rót về thì chúng tôi lấy gì trả cho dân. Em có tiền không bố trí cho anh vài trăm tỷ anh làm (!?) Nhà cửa của bà con xuống cấp thì bà con cứ sửa, nhà nước chưa trả tiền thì bà con cứ xây dựng!”.
Ông Nguyễn Tư Khánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: “Để tháo gỡ được bài toán tái định cư cho dân thì cần có vốn và mặt bằng. Dự án được đầu tư trên 700 tỷ đồng thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ nhận được chưa đầy 100 tỷ. Đó chính là điều mà chúng tôi hết sức trăn trở, trong khi vài năm trở lại đây tình hình kinh tế biến động, khó khăn rất nhiều, chưa có vốn thì chưa thể có kinh phí trả cho bà con”.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên