1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hơn 80% sinh viên... nói dối cha mẹ!

(Dân trí)- Ở bậc Tiểu học, đã có tới 22% “sinh viên đại học chữ to” biết nói dối cha mẹ, còn ở bậc THCS và THPT thì có tới 50% và 64% học sinh “lừa cha dối mẹ”. Tệ nạn ma túy học đường và tỷ lệ phạm tội của người trẻ cũng ngày một tăng cao.

Những thông tin trên được công bố tại Hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên ở nước ta hiện nay - Thực trạng và Giải pháp” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức tại Đồng Nai.

Càng lên cao, người trẻ càng... “hư”

Cũng tại Hội thảo này, còn nhiều kết luận giật mình khác được công bố. Ví dụ như về tỷ lệ quay cóp, rất ngạc nhiên khi cũng có tới 8% học sinh tiểu học đã biết... quay cóp. Con số này lên đến bậc THCS đã nhảy vọt thành 55%, THPT là 60% và đến bậc ĐH, CĐ đã thành 69%.

Cũng ở bậc Tiểu học, đã có tới 22% “sinh viên đại học chữ to” biết... nói dối cha mẹ, còn ở bậc THCS và THPT thì có tới 50% và 64% học sinh “lừa cha dối mẹ”. Và ở bậc ĐH, CĐ có đến hơn 80% sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh.

Như vậy, càng lên cao, phong cách sống cũng như đạo đức của học sinh, sinh viên càng “có vấn đề”. Năm 2007, tại cuộc điều tra khảo sát tại 30 trường ĐH-CĐ trong cả nước do Vụ Văn hóa - Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương phối hợp với Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ GD-ĐT) đã đưa ra một con số rất đáng suy nghĩ: 51,4% sinh viên cho rằng “sống thử trước hôn nhân là hiện tượng khá phổ biến” và được coi là “bình thường”.

Tỷ lệ phạm tội của người trẻ cũng ngày một tăng cao. Trong nghiên cứu của GS.TS Vũ Dũng - Viện trưởng Viện Tâm lý học đã nêu rất rõ thực trạng này khi ông có trích dẫn: Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nếu năm 1986 có 3.607 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện thì đến năm 1996 con số này là 11.726 em (gấp 3 lần). Trung bình mỗi năm trên cả nước có 4.746 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện.

Sự gia tăng đột biến của tệ nạn ma túy học đường ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối. Nếu như năm 2004 chỉ có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy, thì đến năm 2007 con số này đã tăng lên 1.234 học sinh, sinh viên.

Áp đặt + Nhồi nhét = Hư?

Mổ xẻ về sự ngày càng “hư” của người trẻ, TS Phạm Thị Kim Anh (ĐHSP Hà Nội) nhận xét: Chúng ta vẫn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Nhiều giáo viên lên lớp chỉ lo truyền giảng kiến thức chuyên môn, không chú trọng để uốn nắn chỉnh sửa những sai trái của học trò mình.

Bà Kim Anh phân tích: Lỗi đầu tiên phải kể đến là sự buông lỏng trong việc quản lý giáo dục con cái của gia đình. Nhiều bậc cha mẹ sau thời gian đi làm về, muốn “rảnh nợ” đã mở ti vi hoặc trò chơi trên máy vi tính cho con. Cứ như thế những đứa trẻ ngày càng tách khỏi thế giới thực và bị cuốn hút bởi những trò chơi bạo lực ly kì, hấp dẫn mà quên đi nhiệm vụ học tập, giúp đỡ gia đình. Nhiều gia đình cả cha lẫn mẹ đều nặng về mưu sinh, không có thời gian quản lý dạy dỗ con cái đành giao trách nhiệm cho ông bà hoặc phó thác cho nhà trường.

Lỗi kế đến là việc giáo dục đạo đức trong nhà trường từ bậc phổ thông đến đại học còn nhiều bất ổn. Các chương trình giáo dục đạo đức còn nặng về lý thuyết, nhẹ giáo dục kĩ năng sống, không tạo được dấu ấn và điều kiện thuận lợi để hình thành nhân cách cho học sinh.

Lỗi cuối cùng thuộc về khách quan. Đó là do tác động của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập các nền văn hóa và sự hấp dẫn của đời sống đô thị đã làm cho các giá trị đạo đức truyền thống bị xâm hại và mai một dần.

Tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chỉ ra rằng, người trẻ càng lớn càng hư vì nhiều năm qua, họ phải thụ hưởng một nền giáo dục đạo đức theo kiểu quan liêu, giáo điều. Trong khi, điều mà các em cần khi được dạy làm người là các em phải được tôn trọng thật sự chứ không phải bị giáo dục theo cách áp đặt, nhồi nhét và khô cứng.

Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai Lê Minh Hoàng nhận định: Cần coi trọng tính thực tiễn trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Để bài học môn đạo đức, giáo dục công dân và pháp luật hiệu quả, thầy cô cần tích cực liên hệ thực tiễn, đưa ra nhiều tình huống để các em tự giải quyết, qua đó các em nhận thức được giá trị sống, học được kỹ năng cơ bản và định hướng hành vi. Nội dung chương trình các môn học khác cần được lồng ghép nội dung giáo dục tư tưởng cho học sinh, sinh viên một cách phù hợp.

Ngẫm nghĩ và nhìn nhận một cách khá sâu sắc, GS Viện sĩ Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam thì đưa ra nhận xét rằng: “Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó phải kể đến yếu tố kinh tế là vấn đề nổi cộm nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng yếu tố quyết định là giáo dục, tự giáo dục, kết hợp với đạo đức nhà trường, môi trường gia đình, xã hội có nhiều yếu tố xấu tác động trực tiếp đến nhân cách học sinh, đặc biệt là vấn đề đạo đức”.

 

M.M