Nghệ An:
Hơn 600 hồ đập nơm nớp trước mùa bão lũ
(Dân trí) - Cống bị rò, tràn bị xói lở và quá hẹp, đập “lung lay”, tưởng như sẽ vỡ ngay khi mùa bão lũ đến… Đó là tình trạng xuống cấp chung của 625 hồ đập lớn nhỏ ở Nghệ An, đều được xây dựng thủ công từ năm 1964 đến năm 1980, chưa một lần được tu sửa cẩn thận.
>> Hiểm họa từ những hồ đập cũ nát
Nhìn hồ, ngó đập mà lo
Ông Phạm Hữu Văn - Chi cục phó Chi cục thuỷ lợi Nghệ An - tiết lộ: “Theo số liệu khảo sát năm 2001 thì Nghệ An có 625 hồ, đập. Đây hầu hết là những hồ có sức chứa 1 triệu m3. Nếu tính thời điểm hiện nay, kể cả những hồ nhỏ hơn thì con số hồ, đập phải lên đến hàng ngàn. Đây phần lớn là những hồ, đập do chính quyền xã quản lý và hầu như đã xuống cấp nghiêm trọng”.
Quỳnh Lưu là một trong nhưng huyện có nhiều hồ, đâp nhất Nghệ An. Chính quyền nơi đây cũng đang nơm nớp lo trước mùa bão lũ đến. “Hầu hết các hồ đập đều được xây dựng từ năm 1966 đến năm 1981 nên hiện nay chúng đá xuống cấp. Nghiêm trọng nhất là đập Tây Nguyên. Hiện bờ đe của đập này đã bị xói lở nghiêm trọng. Nước đã khoét sâu vào thân đập, cống bị rò rỉ. Mỗi mùa mưa lũ đến chúng tôi lại nơm nớp lo”, ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng, phân trần.
Được biết đập Tây Nguyên được xây dựng từ năm 1967, có sức chứa 1 triệu m3. Nếu đập xảy ra sự cố đồng nghĩa với hơn 250 hộ dân bị đe doạ.
Xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc có 7 hồ, đập lớn nhỏ nhưng đang ở trong tình trạng hệ thống kênh mương chưa kiên cố, đá lát mái thượng lưu bị sạt lở. Chỉ cần một trận mưa nhỏ thì các hồ đập sẽ bị đe dọa.
Không riêng gì hai huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, mà hầu như các huyện, thị có hồ, đập trong tỉnh Nghệ An đều đang đứng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và ở diện “cấp cứu”.
Điệp khúc thiếu kinh phí
Theo giải thích của Chi cục phó Chi cục thuỷ lợi Nghệ An thì sở dĩ hồ, đập xuống cấp là do những nguyên nhân: Đã xây dựng quá lâu, theo kiểu thủ công; thiếu kinh phí tu bổ, sửa chữa;…
“Vì là xã quản lý nên trông chờ vào kinh phí xã là giải pháp khó thực thi. Chỉ có chờ dự án của TƯ. Về phía tỉnh Nghệ An thì hàng năm cũng chỉ chi khoảng 2 tỷ đồng cho việc tu sửa hồ đập mà thôi. Vì kinh phí ít nên có được số tiền đó cũng phải “cân đong đo đếm” rất nhiều” - ông Phạm Hữu Văn giải thích.
Được biết hiện Nghệ An mới có 10 hồ đập được nâng cấp tu sửa và 28 hồ đập đã có dự án. “Hiện chỉ có cách là trông chờ vào nguồn vốn của TƯ, Tỉnh đã chịu rồi. Còn vốn dự án nước ngoài thì lại càng hiếm. Vậy nên biết là xuống cấp nhưng cũng đành chịu”, ông Văn thất vọng nói.
Đặng Nguyên Nghĩa