Khánh Hòa:

Hơn 550 nhà khoa học cùng họp bàn vì một đại dương lành mạnh

(Dân trí) - Sáng 22/4, hơn 550 nhà khoa học từ 24 nước và vùng lãnh thổ đã về Nha Trang dự Hội nghị khoa học quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ IX với chủ đề: “Một Đại dương lành mạnh vì thịnh vượng ở Tây Thái Bình Dương - Những thách thức về khoa học và giải pháp”.

Quang cảnh Hội nghị, sáng 22/4.
Quang cảnh Hội nghị, sáng 22/4.

IOC là viết tắt của Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) được thành lập năm 1960, gồm 142 nước thành viên nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp trong các chương trình nghiên cứu, bảo vệ môi trường biển, tăng cường sự hiểu biết các vấn đề có liên quan đến tự nhiên và các tài nguyên đại dương thông qua hoạt động của các thành viên.

Để nâng cao hoạt động, IOC đã thành lập Phân ban Hải dương học Liên chính phủ Khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) vào năm 1989. IOC/WESTPAC bao gồm 20 nước thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, CHND Triều Tiên, Úc, Newzealand , Fiji, Samoa, Đảo Solomon, Tonga, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Hội nghị tổ chức tại thành phố Nha Trang là Hội nghị lần thứ IX (từ 22-25/4) với mục tiêu là tạo cầu nối cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ, đánh giá những thành tựu về khoa học biển đã đạt được trong 25 năm qua, trao đổi tri thức khoa học biển và thúc đẩy hợp tác toàn diện hướng tới nâng nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện quá trình xây dựng chính sách nhằm chia sẻ sự giàu có của đại dương mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Trao đổi thêm với PV Dân trí, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, Trưởng BTC Quốc gia Hội nghị khoa học quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ IX cho biết: Hiện nay ở Tây Thái Bình Dương tài nguyên đã bị khai thác quá mức, áp lực đối với đại dương không ngừng tăng lên.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học trao đổi với phóng viên.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học trao đổi với phóng viên.

Do vậy, muốn thịnh vượng và khai thác tốt thì cần phải làm cho đại dương lành mạnh, xanh tươi và không bị hủy hoại. Trên cơ sở đó, con người có thể sử dụng được tài nguyên từ đại dương, không chỉ tài nguyên sống, tài nguyên sinh vật mà cả những tài nguyên vi sinh vật.

Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, đối với những tài nguyên vi sinh vật như: dầu mỏ, khoáng sản… thì việc khai thác của con người trong thời gian qua đã gây ra những hậu quả nặng nề về mặt môi trường.

Việc ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi, mà còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, môi trường sống của sinh vật. Bên cạnh đó, những hoạt động trên đất liền đóng góp tới 85% ô nhiễm biển, làm cho các hệ sinh thái suy thoái, tài nguyên suy giảm, tương lai con người sẽ không còn nguồn lợi để sử dụng…

Từ những phân tích trên, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cho rằng, nếu không có những giải pháp khoa học để ngăn chặn thì trong lương lai gần con người sẽ phải gánh chịu nhưng hậu quả do mình gây ra.

Với hội nghị này, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cho biết ngoài việc trao đổi khoa học của các nhà khoa học thì tương lai sẽ phát triển được một đội ngũ kế cận về hải dương học. Đặc biệt, tại hội nghị này, lần đầu tiên Diễn đàn các viện trưởng được tổc chức nhằm tạo ra một khuôn khổ để lãnh đạo các viện, trường và các cơ quan thực thi trong khu vực xây dựng và cải thiện mạng lưới hợp tác, trao đổi phương hướng phát triển và các thách thức về khoa học công nghệ.

Tại Việt Nam, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cũng cho rằng các kế hoạch phát triển kinh tế biển cần phải dựa trên nền tảng hiểu biết về biển. Trong khi ở nước ta rất nhiều kế hoạch được phát triển theo ý thích của nhà đầu tư nên ít nhiều không đảm bảo sự phát triển một cách bền vững.
 
Cho đến nay, IOC/WESTPAC đã tổ chức được 8 Hội nghị khoa học quốc tế của khu vực tại các nước thành viên như Úc, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hội nghị lần thứ 9 tại Nha Trang, có 501 bài tóm tắt được chấp nhận trình bày tại Hội nghị, trong đó 250 sẽ báo cáo tại các tiểu ban và 251 ở dạng áp phích trưng bày. Hội nghị sẽ tiến hành với phiên khai mạc, 1 phiên toàn thể và 14 tiểu ban tương ứng với 3 chủ đề lớn: Hiểu biết về các quá trình đại dương ở Tây Thái Bình Dương; Đa dạng sinh học và an ninh lương thực, an toàn thực phẩm; sự lành mạnh của đại dương và một số vần đề liên ngành, mới nổi. Đây là một trong những Hội nghị lớn nhất trong lịch sử IOC/WESTPAC và đóng góp quan trọng cho kỷ niệm 25 năm ngày thành lập IOC/WESTPAC, đồng thời ghi nhận vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với lĩnh vực Hải dương học thế giới.
 
Viết Hảo