1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 4ha rừng phòng hộ có bị san ủi trái phép?

Sau khi nhận thông báo của dân về việc Cty Cổ phần Cao su Điện Biên đưa máy ủi, máy xúc lên san ủi rừng phòng hộ giữ nguồn nước của nhân dân, sáng 24/11, Đoàn công tác của huyện Điện Biên đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trường diện tích rừng bị san ủi.

Đoàn công tác bao gồm: Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Viện Kiểm sát, Công an huyện, Phòng Tài nguyên & Môi trường, UBND xã Thanh Nưa và Chi cục Kiểm lâm tỉnh tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.
 
Hơn 4ha rừng phòng hộ có bị san ủi trái phép? - 1

Rừng phòng hộ bị san ủi (Ảnh cắt từ clip)

 

Theo Báo cáo số 98/BC-KL của Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã san ủi diện tích rừng là 4,7ha tại khoảnh I, tiểu khu 703. Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì đây là sản xuất; còn theo bản đồ phân cấp rừng phòng hộ thì đây là rừng phòng hộ ít xung yếu, có khả năng phát triển tốt. Toàn bộ khu vực rừng thuộc khoảnh I, tiểu khu 703 là đầu nguồn của các suối: Nậm Ngọp, Nậm Luống, cung cấp nước sinh hoạt cho 3 bản Tâu và cho khoảng 250ha ruộng trên kênh của xã Thanh Nưa.

 

Tại hiện trường, nhiều diện tích rừng bị san ủi, chỉ còn lại một số cây gỗ đã ủi đổ nằm ở bìa rừng; hầu hết số lượng gỗ bị san ủi đã được người dân quanh khu vực tận thu về sử dụng và làm củi. Đoàn công tác của huyện Điện Biên đã tiến hành đo đạc, lập ô tiêu chuẩn để xác định lại diện tích rừng và khối lượng gỗ bị san ủi. Kết quả đã xác định được: 4,3ha rừng bị san ủi; khối lượng gỗ bị san ủi là 30,3m3/1ha.

 

Ông Phạm Công Nguyên, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, cho biết: Việc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên tự ý san ủi khu rừng tại khoảnh I, tiểu khu 703 là vi phạm pháp luật, bởi theo Quyết định số 289/QĐ-UBND, ngày 1/4/2011 của UBND tỉnh đã giao: Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; UBND huyện Điện Biên tiến hành các thủ tục thanh lý rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất trồng cây cao su theo đúng quy định, nhưng Công ty Cổ phần Cao su đã bỏ qua thủ tục này và tự ý san ủi rừng khi chưa được phép của chính quyền huyện Điện Biên và xã Thanh Nưa.

 

Vẫn biết, chủ trương của tỉnh về việc mở rộng diện tích trồng cao su là hướng đi đúng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu xảy ra mâu thuẫn giữa Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên với chính quyền địa phương. Chủ trương đúng, nhưng cách thức tổ chức thực hiện chưa tốt, âu cũng là bài học cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên.

 

Để có được sự đồng thuận, thiết nghĩ cần rút kinh nghiệm ngày từ vụ việc vừa xảy ra tại khu rừng thuộc khoảnh I, tiểu khu 703, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

 

Theo L.G

 Báo Điện Biên Phủ