1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bình Định:

Hơn 300 công nhân khốn đốn vì ông chủ người Ấn Độ “mất hút”

(Dân trí) - Gần 1 năm qua, 327 công nhân thuộc Công ty CP Đường Bình Định khốn đốn vì nhà máy đường Bình Định đóng cửa. Ông chủ người Ấn Độ âm thầm ra đi cùng khoản nợ “khủng” trên 170 tỷ đồng.

80% không xin được việc mới

Ngày 5/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, tỉnh này đang phối hợp với một số đơn vị để giải quyết những vấn đề liên quan đến Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO - đóng tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Hơn 300 công nhân khốn đốn vì ông chủ người Ấn Độ “mất hút” - 1
Nhà máy Đường Bình Định dừng hoạt động, chủ "mất hút", hơn 300 công nhân khốn đốn.

Theo ông Trần Văn Đồng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở BISUCO, từ tháng 7/2018, lãnh đạo BISUCO thông báo cho người lao động (NLĐ) tạm nghỉ nhưng đến nay vẫn không giải quyết bất kỳ khoản chế độ nào.

Hiện BISUCO đang nợ 327 NLĐ tại công ty hơn 19 tỷ đồng, gồm: tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội; nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh Bình Định hơn 24,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông chủ của BISUCO là người Ấn Độ đã âm thầm rời khỏi Việt Nam khiến nỗ lực giải quyết chế độ cho NLĐ từ các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Bình Định bị vô hiệu hóa.

“Đa số NLĐ gắn bó với công ty hơn 20 năm, đều đã lớn tuổi nên rất khó đi xin việc làm mới. Trong khi đó, tiền lương, các khoản khác nợ không được chi trả khiến NLĐ rất bức xúc. Công đoàn cơ sở và NLĐ đã nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với BISUCO ra tòa án. Đồng thời gửi đơn kiện chủ công ty đến TAND huyện Tây Sơn để đòi quyền lợi”, ông Đồng cho hay.

Hơn 300 công nhân khốn đốn vì ông chủ người Ấn Độ “mất hút” - 2

Vợ chồng anh Nhuận đang bị Công ty CP Đường Bình Định nợ lương, bảo hiểm..., cuộc sống vô cùng khó khăn.

Anh Đặng Ngọc Nhuận (46 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) vào Bình Định lập nghiệp rồi lấy vợ. Vợ chồng anh thuộc lớp công nhân đầu tiên làm việc khi Nhà máy Đường Bình Định mới thành lập.

“Hai vợ chồng tôi đều ở xa quê vào Bình Định lập nghiệp nên phải ở nhà tập thể công ty. Từ ngày công ty dừng hoạt động, cuộc sống gia đình tôi trở nên khó khăn. Vợ tôi phải ở nhà để lo cho 2 đứa con ăn học, còn tôi chạy đôn chạy đáo kiếm việc lo cho 4 miệng ăn. Năm nay, đứa con trai đầu thi vào đại học chi phí càng lớn nên vợ chồng tôi chưa biết xoay xở ra sao. Gần 1 năm nay, vợ chồng tôi không nhận được một đồng tiền lương, nói gì đến các chế độ bảo hiểm khác. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng của tỉnh sớm giải quyết, đòi lại quyền lợi cho anh chị em công nhân chúng tôi”, ông Nhuận mong mỏi.

Ưu tiên giải quyết cho người lao động

Ngày 30/1/2018, TAND huyện Bến Lức (tỉnh Long An) tuyên buộc BISUCO phải trả cho Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Vietnam (SCB Việt Nam) 131,4 tỷ đồng tiền nợ. Tuy nhiên, việc thi hành án phải tạm dừng do vấp vụ kiện đòi nợ, sau đó chuyển thành yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp của NLĐ tại BISUCO.

Hơn 300 công nhân khốn đốn vì ông chủ người Ấn Độ “mất hút” - 3
Nhà máy dừng hoạt động, hơn 300 công nhân sống chật vật vì không xin được việc làm mới vì nhiều người tuổi cao

Trao đổi về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết: “Hiện nay, TAND huyện Tây Sơn đang thụ lý hồ sơ để giải quyết nhưng do ông chủ người Ấn Độ của BISUCO không có mặt tại Việt Nam khiến việc xét xử gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mới tìm được địa chỉ của họ ở Ấn Độ. Sắp tới, TAND huyện Tây Sơn gửi công văn qua bên đó, nếu gửi 2 lần mà họ vẫn không đến giải quyết thì sẽ tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định pháp luật. Sau đó, tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp pháp lý tiếp theo để đòi quyền lợi cho NLĐ”.

Hơn 300 công nhân khốn đốn vì ông chủ người Ấn Độ “mất hút” - 4
Máy móc tháo tung để rỉ sét

Nói về khó khăn của hơn 300 NLĐ đang lay lắt vì bị nợ lương, thất nghiệp dài ngày sau khi công ty dừng hoạt động, ông Trần Châu nói: “UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho các ngành và huyện Tây Sơn ưu tiên giải quyết đời sống cho NLĐ tại BISUCO. Trong đó, giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định phối hợp với các đơn vị khác xem xét, tạo điều kiện để chi trả BHXH, đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho NLĐ”.

Doãn Công