Hơn 16.000 km đường bộ quốc gia xuống cấp vì “đói” vốn
(Dân trí) - Hiện nay, hơn 16.000 km tổng chiều dài hệ thống đường bộ quốc gia (chiếm 66%) đã quá thời gian sửa chữa định kỳ nhưng vẫn “bỏ đó” vì thiếu vốn, trong khi đó lưu lượng phương tiện tăng nhanh, thời gian qua mưa bão phức tạp làm gia tăng mối “đe doạ” với những cung đường này.
Quá hạn đại tu, rủi ro rình rập!
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tính đến ngày 30/4/2018, hệ thống quốc lộ toàn quốc có 154 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 24.600 km. Tuy nhiên, hiện 16.320 km đã quá thời gian sửa chữa định kỳ theo quy định do thiếu nguồn vốn. Trong đó, hơn 10.600 km đường đã quá thời hạn trung tu và gần 5.700 km đã quá thời hạn đại tu.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kể từ năm 2013 khi Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đi vào hoạt động, công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện. Nhưng nguồn của Quỹ còn rất hạn chế so với nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống quốc lộ. Tính đến thời điểm hiện tại, năm 2018, Quỹ mới đáp ứng được 34,81% nhu cầu. Tổng kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ - cho hay, ngoài hơn 16.000 km đường đang đến hạn trung tu, đại tu theo quy định nêu trong Thông tư 37 (5 năm đến hạn trung tu, 10 năm đến hạn đại tu), lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh cùng với tình hình mưa bão phức tạp trong thời gian vừa qua cũng đang là mối đe doạ với những cung đường này.
Bên cạnh đó, với đặc điểm địa hình, hệ thống quốc lộ có khoảng 40% thuộc khu vực miền núi chịu ảnh hưởng lớn của các điều kiện thời tiết, đặc biệt là mưa lũ làm sạt lở, hư hỏng công trình. Một số quốc lộ đi qua khu vực đồi núi vẫn còn đoạn tuyến mặt đường đất, hiện tượng sụt trượt xảy ra nhiều nơi gây ách tắc giao thông, khi mưa lớn gây ngập sâu và lũ lụt làm đất đá tràn ra đường, phá huỷ công trình giao thông…
“Tháng 10/2017 đoạn ngã ba Tòng Đậu, Mai Châu thuộc tuyến quốc lộ 6 ngập sâu đến 2m, tuyến đường đi Tây Bắc bị chia cắt hoàn toàn, người dân phải đi lại bằng bè. Những sự cố như vậy đòi hỏi kinh phí cho bảo trì rất lớn và năm sau cao hơn năm trước, quá trình xây dựng lại rất lâu và tốn kém, đặc biệt là những công trình cầu.” - ông Huyện dẫn chứng.
“Rót” bao tiền cho đủ sửa đường?
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình lên Bộ GTVT “Đề án xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ đến năm 2030”. Theo Đề án này, căn cứ vào khối lượng, đơn giá và trượt giá, nhu cầu vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ giai đoạn 2019 - 2030 theo phương án cơ sở là gần 300.000 tỷ đồng, riêng năm 2019 cần hơn 49.000 tỷ đồng. Phương án này đảm bảo đến năm 2020 tất cả các hệ thống quốc lộ sẽ được sửa chữa định kỳ theo đúng thời gian quy định.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đánh giá đúng thực trạng, sát thực tế công tác bảo trì đường bộ tại từng địa phương, lấy ý kiến các địa phương để báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: Tài sản hàng triệu tỷ đang xuống cấp thế nào trong khi mỗi năm số tiền bỏ ra cho bảo trì chỉ chiếm 1% tổng giá trị tài sản đường bộ? Số đường đến hạn trung tu, bảo trì đang khấu hao hàng năm như thế nào? Nguy cơ gây mất an toàn giao thông ra sao? Phải có số liệu cụ thể!
Về tiêu chí tính toán đơn giá, định mức bảo trì đường bộ, Bộ trưởng GTVT yêu cầu cần rà soát lại, trong đó phải tham khảo các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng Việt Nam để có con số tổng quan, rõ ràng về cách tính thời gian trung tu, đại tu đường phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đề cập tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, cần có giải pháp nâng tỉ trọng của Quỹ Bảo trì đường bộ bởi quỹ này hiện chỉ thu từ phí bảo trì đường bộ và được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ (khoảng 34%). Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải “chung tay” bố trí từ ngân sách tỉnh để thực hiện công tác bảo trì đường bộ chứ không chỉ chờ đợi nguồn tiền từ Quỹ Bảo trì “rót” xuống.
Châu Như Quỳnh