1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai:

Hơn 1 thập kỷ nộp tiền cho công trình "27 triệu khai khống thành 1 tỷ"

(Dân trí) - Mặc dù rất bức xúc trước công trình “kiên cố hóa kênh mương” của xã Ia Peng (Phú Thiện, Gia Lai), nhưng hơn 10 năm nay, người dân ở xã này vẫn phải đều đặn nộp tiền 1 năm 2 lần cho UBND xã để xây dựng công trình này.

Mặc dù chỉ có vài trăm mét kênh mương, với chiều rộng chừng hơn 20cm, được xây bằng cát và đá nhưng hơn chục năm nay, chính quyền xã Ia Peng liên tục thu tiền “kiên cố hóa kênh mương” của những người nông dân nghèo.

Một nông dân tên Q. (trú xã Ia Peng) bức xúc kể, gia đình nhà ông chỉ làm 5 sào lúa nhưng nhiều năm nay, chính quyền xã liên tục thu tiền “kiên cố hóa kênh mương” với 9kg lúa khô/sào/vụ, quy ra tiền theo giá hiện hành để thu. Ông Q. cho biết, vụ nào cũng vậy, “tổ dịch vụ” của UBND xã Ia Peng đều đến nhà ông thu 33kg lúa khô/sào/vụ cho các khoản như: kiên cố hóa kênh mương, tháo nước, quản lý cánh đồng… Như vậy với 5 sào lúa, mỗi vụ gia đình ông Q. đều phải nộp 165 kg lúa khô.

Ông Q. tính, 1 sào lúa gia đình ông thu được khoảng 6 tạ lúa khô. Trong đó, chi phí bỏ ra là 1.880.000 đồng cho các tiền thuốc trừ sâu, phân… cộng thêm 33kg lúa khô (quy ra tiền theo giá hiện tại là hơn 200.000 đồng); chưa kể công chăm sóc trong suốt 3,5 tháng.

Mỗi năm gia đình ông Q. làm 2 vụ lúa, và vụ nào cũng phải đều đặn đóng số tiền như trên. “Tôi chỉ là dân thường nhưng đã được kết nạp Đảng từ lâu. Có vài trăm mét mương nhưng vụ nào cũng bị sập, chúng tôi không muốn nộp vì nhiều năm thu rồi. Tôi tức quá không nộp, họ vẫn "đè" ra bắt nộp vì nói tôi là đảng viên phải gương mẫu, cuối năm lại kiểm điểm đủ thứ nên tôi đành ngậm đắng nuốt cay để nộp”, ông Q. bức xúc.

Ông Q. cho biết thêm, trước việc nhiều năm liền chính quyền xã thu tiền “kiên cố hóa kênh mương” của nông dân với giá vừa cao, vừa “thu mãi mà không dứt”, bà con nông dân đã nhiều lần khiếu kiện, khiếu nại trong các cuộc họp nhưng đều không có kết quả. “Cánh đồng của chúng tôi có 2 đoạn kênh mương, tổng cộng khoảng hơn 400m nhưng vụ lúa nào cũng bị sập. Họ đổ lỗi cho người dân đi đào chuột làm mương sập”, ông Q. cho biết thêm.

Hơn 1 thập kỷ nộp tiền cho công trình "27 triệu khai khống thành 1 tỷ" - 1

Mặc dù đang bị thanh tra nhưng xã này vẫn tiếp tục thu khoản tiền vô lý từ người dân
Mặc dù đang bị thanh tra nhưng xã này vẫn tiếp tục thu khoản tiền vô lý từ người dân

Tương tự nhà ông Q. gia đình ông H. có 6 sào lúa, vụ nào cũng phải đóng cho tổ dịch vụ 198kg lúa khô. Gia đình ông H. có 4 đứa con đều đang tuổi đi học, nhà cửa tạm bợ, kinh tế khó khăn, nhưng riêng những khoản tiền này thì không thể không nộp.

Nằm trong tổ dịch vụ của UBND xã Ia Peng, ông Đặng Văn Hà cho biết, ông là dân thường, được chính quyền xã thuê đi thu những khoản tiền trên cho xã. Ông quản lý thu tiền của 40ha ruộng. Sau khi thu xong, ông Hà được hưởng 10% số tiền thu được, số còn lại ông nộp lên hợp tác xã. Việc thu tiền trên được triển khai thực hiện trên địa bàn xã từ năm 2005 đến nay.

Từ năm 2005 đến nay, chính quyền xã đã xây được 500m mương ở khu vực cánh đồng ông Hà quản lý thu. Tuy nhiên, việc xây trên chỉ có khối lượng chứ không có chất lượng vì đơn vị thi công chỉ xếp đá rồi vả hồ, hầu như là cát chứ không có xi măng, không làm đáy mương nên hư hại rất nhiều.

“Tôi cảm thấy không hài lòng với chính mình vì mình đi thu tiền của dân bằng thật nhưng làm thì làm giả. Tôi thấy không hiệu quả, tiêu cực, khi họ xây xong thì mình lấy chân đạp mạnh là hư liền vì có xi măng đâu. Bản thân tôi cũng cảm thấy bức xúc, tôi ra nói mấy người thi công nhưng cũng không được”, ông Hà thật thà cho biết.

Hơn 1 thập kỷ qua, năm nào nông dân cũng phải nộp tiền để làm đoạn mương này
Hơn 1 thập kỷ qua, năm nào nông dân cũng phải nộp tiền để làm đoạn mương này

Ông Hà cho biết thêm, trên địa bàn xã Ia Peng có rất nhiều tổ dịch vụ đi thu khoản tiền trên từ năm 2005 đến nay. Riêng tổ của ông quản lý, có nhiều người bức xúc, họ không nộp tiền, nhiều người phản đối nhưng không được vì việc thu tiền trên gần như là "nguyên tắc".

Trước vấn đề trên, PV Dân trí đã liên lạc với ông Đỗ Hồng Sơn- Chủ tịch UBND xã Ia Peng- để hỏi rõ thực hư nhưng ông Sơn nói bận tiếp khách nên không thể làm việc.

Trước đó, liên quan đến vấn đề trên, Thanh tra huyện Phú Thiện cũng đã có kết luận về sai phạm của chính quyền xã Ia Peng khi xã này chỉ bỏ ra chừng 27 triệu đồng để xây dựng kênh mương nhưng khai khống thành hơn 1 tỷ đồng, biển thủ hơn 970 triệu đồng.

Ông Rơ Lan Ni- Chủ tịch UBND huyện cũng đã có văn bản giao thanh tra huyện tham mưu để thu hồi số tiền sai phạm trên. Tuy nhiên, dư luận thắc mắc, sau khi thu hồi được số tiền trên, chính quyền có trả lại cho người dân không hay xử lý như thế nào?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc.

Những hình ảnh về công trình "thập kỷ" của xã Ia Peng:

Hơn 1 thập kỷ nộp tiền cho công trình "27 triệu khai khống thành 1 tỷ" - 4

Hơn 1 thập kỷ nộp tiền cho công trình "27 triệu khai khống thành 1 tỷ" - 5

Hơn 1 thập kỷ nộp tiền cho công trình "27 triệu khai khống thành 1 tỷ" - 6

Hơn 1 thập kỷ nộp tiền cho công trình "27 triệu khai khống thành 1 tỷ" - 7


Chỉ với công trình nhếch nhác này mà hơn 10 năm nay, bà con nông dân phải đều đặn đóng tiền mỗi năm 2 lần.

Chỉ với công trình "nhếch nhác" này mà hơn 10 năm nay, bà con nông dân phải đều đặn đóng tiền mỗi năm 2 lần.

Thiên Thư- Trần Linh