1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 1 tháng, 5 lần dự báo thời tiết sai

(Dân trí) - Bão số 10 lại đổ bộ vào đất liền nhanh hơn dự báo gần một ngày. Vậy là chỉ trong vòng một tháng rưỡi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo sai về tình hình mưa bão đến 5 lần.

Đầu tiên là cơn bão số 7 có tên quốc tế là Mekkhala bất ngờ đổ bộ vào địa phận Hà Tĩnh - Quảng Bình vào sáng 30/9 với sức gió cấp 8. Trước đó, trưa ngày 29/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương dự báo, chiều 30/9 bão mới đổ bộ vào đất liền.
 
Cơn bão này có sức công phá không mạnh nhưng người dân không kịp trở tay nên gây thiệt hại tương đối lớn về người và tài sản. Theo thống kê của BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương, bão số 7 làm 19 người chết và mất tích, 13 người bị thương. Thiệt hại về tài sản gồm có 25 nhà trôi, sập, hơn 6.200 nhà tốc mái, hư hại, 45 tàu, thuyền chìm.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Tại sao bão không lớn mà chết người như thế này?”.

Về “sự bất ngờ” của cơn bão, ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương trả lời báo chí: “Việc bão đột ngột tăng tốc độ là do nội lực của bão”!

Trận mưa tại Hà Nội từ ngày 31/10 đến 2/11 được xem là trận mưa lịch sử cả trăm năm nay. Riêng khu vực Hà Nội (cũ) đây là đợt mưa lớn nhất kể từ đợt mưa lịch sử tháng 11/1984. Còn tại khu Hà Tây (cũ), đây là đợt mưa lớn chưa từng xảy ra kể từ khi có quan trắc khí tượng đến nay (khoảng gần 100 năm).

Vậy nhưng, trong các bản tin dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương trước đó mà đến bây giờ đọc lại nhiều người vẫn không thể hình dung nổi: khu vực Hà Nội có mưa rào, mưa dông, có nơi mưa to.

“Cơn mưa rào, mưa dông” đã nhấn chìm Hà Nội trong biển nước.  22 người dân Thủ đô chết vì lụt và sơ sơ cũng khoảng 3.000 tỷ đồng bị nước cuốn trôi.

Trận mưa lịch sử vừa dứt, hàng chục tuyến phố của Hà Nội vẫn đang chìm trong nước, người dân vẫn đang bị “cô lập” trong nhà hoặc chèo thuyền bè để đi lại thì họ nhận thêm hung tin: Miền Bắc có thể tái ngập. Trung tâm khí tượng thủy văn phát bản tin, từ tối 6/11 đến 12/11, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi 200mm. Không thể bị động như lần một, người dân Thủ đô nháo nhào chuẩn bị đối phó với mưa lũ. Và họ chờ đợi…

Đêm 6/11, trời đổ mưa nhưng chỉ là một cơn mưa nhỏ. Lương mưa được dự báo “gây tái ngập” 100-200 mm chỉ ở mức 10-50 mm. Nhiều người ngao ngán: “Dự báo kiểu gì?”.

Đến cơn bão số 9 được dự báo đến ngày 11/11, bão mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Nhưng thực tế, tối 9/11 bão số 9 đã đổi hướng di chuyển xuống phía nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc biển Đông (cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía đông). Người dân lại được một phen “suýt chết”.
 
Hơn 1 tháng, 5 lần dự báo thời tiết sai - 1
Dự báo sai, tháng 5/2006 “thảm hoạ” Chanchu  làm 264 ngư dân miền Trung chết và mất tích.

Cơn bão số 10 đổ bộ vào địa phận các tỉnh Khánh Hoà - Ninh Thuận vào chiều qua (17/11) cũng lại là bất ngờ vì so với nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương thì phải gần 1 ngày nữa bão mới đổ bộ vào đất liền.

Bão số 10 lướt qua nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới  nhưng do người dân không kịp trở tay nên hơn 100 tàu bè đã bị đánh chìm khi đã đến bến neo đậu hoặc đang tiến vào chỗ neo đậu.

Sau lần “báo hụt” Hà Nội tái ngập, chiều tối, 7/11, trong cuộc họp giao ban của BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, cách dự báo của Trung tâm Dự báo còn rất chung chung, khô cứng, làm người dân rất khó hiểu.
 

Giữa tháng 5/2006, thảm hoạ cơn bão Chanchu làm 264 người dân miền Trung chết và mất tích cũng vì bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương “có vấn đề”.

 

Cơn bão này hình thành ngày mùng 8/5 thì ngày 10/5, Hải quân Mỹ và khí tượng thuỷ văn các nước trong khu vực đã báo bão di chuyển hướng bắc mà trung tâm vẫn cứ báo bão theo hướng tây-tây bắc. Đến tận ngày 14/5, bão qua Philippines chúng ta vẫn dự báo bão theo hướng tây-tây bắc.

 

Đến tận ngày 15/5, Trung tâm thuỷ văn mới phát đi bản tin khẳng định bão chuyển hướng bắc thì ngư dân không kịp di chuyển và “chết đứng” ngay vùng gần tâm bão.

 

Sau thảm hoạ đó, ông Lê Công Thành - Giám đốc Trung Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương lúc đó vẫn trả lời báo chí: “Chúng tôi dự báo đúng hướng nhưng chỉ… muộn một chút”.  

 

 

 

 

 

 

 

Hoài Nam