Hồi ức tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 của người lính đặc công
(Dân trí) - Giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng đặc công là nỗi khiếp sợ của kẻ địch ở Thừa Thiên – Huế. Với cách đánh luồn sâu rồi bất ngờ tấn công, các đơn vị đặc công đã làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, dẫn đến thất bại của địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975.
Trận đánh cuối cùng
Tôi gặp ông – cựu lính đặc công Ngô Văn Hoằng (SN 1954, trú phường Hưng Bình, Tp Vinh) khi ông thay mặt Ban liên lạc Cựu lính đặc công thành phố Vinh trao tặng một số hiện vật chiến tranh cho Bảo tàng quân khu 4. Cuộc mưu sinh không làm mất đi nét hào sảng của người cựu binh đặc công này. Nhắc đến cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, ký ức của trận đánh cuối cùng ùa về trong ông…
Năm 1972, khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bước bước vào giai đoạn ác liệt, anh thanh niên Ngô Văn Hoằng xung phong lên đường nhập ngũ. Cùng với 49 tân binh khác, Ngô Văn Hoằng được Bộ tư lệnh đặc công tuyển chọn. Sau 1 năm huấn luyện, họ được bổ sung vào K33 đặc công Quân khu Trị - Thiên (chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).
Tháng 6/1974, với những bước chuyển mình quan trọng của cuộc chiến đấu, các đơn vị đặc công được phân tán về các huyện đội với nhiệm vụ chiến đấu trong lòng địch. Anh lính đặc công Ngô Văn Hoằng được phân về Đại đội 3 (C3), Huyện đội Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế).
Tháng 3/1975, thời cơ giải phóng Huế - Đà Nẵng chín muồi, C3 được chia làm 3 mũi tiến về thành phố Huế để phối hợp cùng các đơn vị chủ lực giải phóng cố đô. Ngày 18/3/1975, đơn vị đụng độ với 1 tiểu đoàn dù của Ngụy. Cuộc chiến kéo dài 1 ngày đêm nhưng do trục trặc trong việc phối hợp với quân chủ lực nên đến tối ngày 19/3/1975, mũi tấn công của ông Hoằng được lệnh rút lui.
Mũi do ông Hoằng phụ trách gồm 9 người rút lên rừng. Khoảng 3h sáng ngày 20/3, cả mũi đến một cánh đồng lúa giữa xã Thanh Thủy Chánh và xã Thùy Dương, cách thành phố Huế khoảng 6km về phía Tây Nam. Trời gần sáng, không thể tiếp tục hành quân lên phía rừng nên bắt buộc họ phải nằm lại giữa cánh đồng lúa.
Nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự của địch bị lính đặc công Thừa Thiên - Huế thu giữ.
Khi vừa hoàn tất việc ngụy trang thì máy bay địch đổ một tiểu đoàn dù xuống, càn quét cánh đồng. Sau 1 tiếng bị địch càn quét, 7 người trong tổ hi sinh, ông Hoằng và ông Lộc (mũi phó) nhờ ẩn dưới ruộng nước nên thoát. Hai người chôn toàn bộ tài liệu tại chỗ, chỉ mang theo 1 khẩu AK, 30 viên đạn và 1 quả mìn tự sát để tìm đường thoát khỏi vòng vây. Chạy được 1 quãng thì ông Lộc rơi vào tay địch. Toán lính đuổi theo ông Hoằng.
“Cuộc đuổi bắt kéo dài từ 10h sáng đến 5h chiều. Tôi cứ nhè ruộng sâu mà nhảy xuống chạy, trong khi lính ngụy được trang bị “tận răng”, ngại lội ruộng. Đến 6h chiều, kiệt sức, tôi ẩn mình dưới ruộng nước chờ giặc tới. Tôi nằm ngửa, khẩu AK lên đạn sẵn. Địch dàn hàng ngang đi càn.
Tôi xác định đây là trận cuối cùng, không thể sống được nữa. Trong phút giây đó, tôi nghĩ nếu mình chết, với 30 viên đạn này, ít nhất nó cũng phải mất 25 tên. Tôi nắm chắc khẩu súng trong tay, quả mìn vẫn dắt ở cạp quần, nín thở chờ đợi giây phút sinh tử”, ông Hoằng nhớ lại.
Đang dàn hàng ngang đề càn, khi chỉ cách chỗ ông Hoằng ẩn mình chừng vài chục thước thì đội hình địch đột ngột tách ra làm hai hướng. Ông Hoằng thoát khỏi vòng vây của địch theo cách không thể ngờ nhất. Ông quay trở lại khu vực 7 đồng đội của mình hi sinh. Toàn bộ tài liệu, vũ khí trang bị đã bị quân địch lấy đi. 7 đồng chí, đồng đội của ông ngã xuống trên cánh đồng lúa đương mùa trổ đòng đòng...
Người lính đặc công ngồi lặng trước đồng đội mình rất lâu, nén nước mắt an táng những người đã cùng mình vào sinh ra tử. Trời chiều đỏ ối, tạc bóng người lính đặc công như hóa tượng trước 7 nấm mồ sơ sài…An táng xong các đồng đội, rút những bông đòng đòng ăn lấy lại sức, ông bươn bả tìm đường về đơn vị. Hai lần thoát khỏi biệt kích, sau 5 ngày lót ruột bằng rau dại, quả rừng, ông tìm được về nơi đơn vị trú quân.
Ngày 24/4/1975, Ngô Văn Hoằng cùng đơn vị tham gia đánh nhà máy nước, nhà máy điện Huế, cùng các đơn vị chủ công tiến qua cầu Trường Tiền, giải phóng Huế. Thành phố Huế giải phóng, ông Hoằng chuyển sang công tác huấn luyện tân binh cho đến khi chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi, miền Nam được giải phóng, Bắc – Nam sum họp…
Hành trình trả nợ ân nghĩa
Chiến tranh kết thúc, người lính đặc công Ngô Văn Hoằng chuyển ngành sang vận tải, 2 năm sau thì lập gia đình. Cuộc sống cơm áo cuốn ông đi nhưng nỗi canh cánh với đồng đội, đồng chí, với những người đã ngã xuống vẫn thường trực trong tâm trí người cựu binh này.
Năm 1997, Ban liên lạc Cựu lính đặc công thành phố Vinh được thành lập, gồm 50 đồng chí, quá nửa trong số họ là thương binh, 12 gia đình liệt sỹ. Bước đầu kinh phí hoạt động còn khó khăn nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực của từng thành viên, công tác chính sách đối với các đồng chí, đồng đội và thân nhân các liệt sỹ luôn được thực hiện tốt. Sau khi nghỉ hưu, ông Hoằng cùng các đồng đội mình dành nhiều thời gian để trở về chiến trường xưa, tri ân những người dân Hương Thủy đã che chở, giúp đỡ mình những ngày chiến đấu.
“Trong 5 ngày bị thất lạc đơn vị, quần áo rách bươm, đói lả người, những người dân Hương Thủy đã cưu mang, giúp đỡ tôi. Một vợ chồng cụ già đã bất chấp hiểm nguy có thể đến với gia đình mình để cho tôi ăn, kiếm bộ quần áo lành lặn cho tôi mặc. Cái tình, cái nghĩa của người dân đối với chúng tôi lớn lắm”, ông rưng rưng.
Bằng uy tín, bằng mối quan hệ của từng cá nhân, Ban liên lạc cựu lính đặc công thành phố Vinh đã có mặt ở những điểm “nóng” thiên tai, lũ lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị để hỗ trợ đồng chí, đồng đội cũ của mình. Sự giúp đỡ về vật chất chưa phải là nhiều nhưng những người lính năm xưa thêm ấm lòng hơn với nghĩa tình hôm nay.
Ông Hoằng cùng với các đồng đội cũ tìm về chiến trường xưa, tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sỹ, đưa về quê hương. Từ khi thành lập đến nay, Ban liên lạc cựu lính đặc công thành phố Vinh đã tìm kiếm, cất bốc được 5 hài cốt đồng đội hi sinh ở cao điểm thuộc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đưa về quê hương hay quy tập vào các nghĩa trang liệt sỹ.
Cựu lính đặc công Ngô Văn Hoằng bảo, mình còn sống, còn trở về với gia đình, dẫu mang vết thương trong người (ông Hoằng là thương binh 3/4) là còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống. Còn sức, ông còn đi, để trả món nợ ân nghĩa, để tìm và đưa những người đã nằm xuống trở về quê hương…
Hoàng Lam