1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

41 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2016):

Hồi ức những ngày vượt “lửa đạn” chèo đò, giữ cột cờ giới tuyến

(Dân trí) - Bên bờ Bắc sông Bến Hải – vĩ tuyến 17, sau ngày chia cắt, một nhiệm vụ thiêng liêng được đặt ra với bộ đội cụ Hồ là giữ vững cột cờ giới tuyến. Mỗi lần bom đạn của giặc đánh gãy cột cờ, ngay lập tức một cột cờ mới được dựng lên, cao hơn với nguyên tắc sao cho lá cờ của Việt Nam cao hơn lá cờ Mỹ - Ngụy…

41 năm sau ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, những nhân chứng lịch sử đã từng kinh qua thời đạn bom khốc liệt bên bờ sông giới tuyến Hiền Lương lại có dịp ôn lại ký ức về một thời kỳ mà “cái chết luôn kề bên”.

“Giữ niềm tin cho đồng bào miền Nam ruột thịt”

Vào năm 1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam tạm thời chia cắt thành 2 miền Bắc – Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phi quân sự tạm thời. Chỉ cách nhau bờ sông Bến Hải chừng vài trăm mét, nhưng người dân nơi đây phải gánh chịu nỗi đau chia cắt đôi miền khi vợ xa chồng, con xa cha mẹ…Hơn lúc nào hết, khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước luôn trỗi dậy trong mỗi con người Quảng Trị nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Suốt 21 năm ròng rã khi đất nước bị chia cắt hai miền, đồng bào miền Nam luôn dõi theo hình ảnh lá cờ Tổ quốc và hệ thống loa truyền thanh ở bờ Bắc sông Bến Hải. Chính vì vậy, mọi tầm ngắm của đạn pháo địch đều hướng về cột cờ Hiền Lương. Để cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên kỳ đài Hiền Lương, loa truyền thanh vang xa hơn phía bên bờ Nam, quân và dân “lũy thép” anh hùng không tiếc máu xương, ngày đêm vượt qua bom đạn để bảo vệ an toàn giới tuyến, với khát vọng thống nhất non sông.

Ông Quang kể về những tháng ngày chiến đấu ác liệt để bảo vệ cột cờ giới tuyến
Ông Quang kể về những tháng ngày chiến đấu ác liệt để bảo vệ cột cờ giới tuyến

Là một trong những nhân chứng lịch sử thời kỳ đó, ông Đinh Như Quang, Trung đội trưởng Trung đội Dân quân du kích Hiền Lương thấu hiểu được nỗi đau thương mất mát khi nước nhà bị chia cắt. Bởi, chính ông là người sinh ra và lớn lên bên sông Hiền Lương lịch sử, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh.

Thấu hiểu được sự mất mát, hy sinh của biết bao gia đình, nỗi đau của toàn dân tộc, nỗi lòng của đồng bào miền Nam ruột thịt luôn hướng về miền Bắc, nơi có người thân của mình đang tham gia hoạt động cách mạng, ông càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ quê hương.

Ông Quang tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1954. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường, vào năm 1964 ông được cấp trên giao phó giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Dân quân du kích.

Năm 1967, khoảng thời gian diễn ra cuộc đấu tranh khốc liệt nhất khi hàng ngày bom đạn, hỏa tiễn, pháo của giặc thả xuống vùng giới tuyến. Ông Quang được giao trọng trách nặng nề là cùng đồng đội giữ vững lá cờ cách mạng ở bờ Bắc. Vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy, ông Quang cùng đồng đội của mình vẫn bám trụ đến cùng để bảo vệ cột cờ giới tuyến, để giữ cho được hình ảnh lá cờ nổi bật trên nền trời quê hương. Để cột cờ đứng vững, lá cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài Hiền Lương không chỉ là niềm kiêu hãnh của dân tộc mà còn là niềm tin của đồng bào hai miền mong đợi ngày đất nước thống nhất.

Hai cựu chiến binh ôn lại ký ức bên kỳ đài Hiền Lương
Hai cựu chiến binh ôn lại ký ức bên kỳ đài Hiền Lương

Nhớ về những ngày tháng lịch sử, ông Quang tâm sự: “Khi đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam-Bắc, trong lòng mỗi người dân lúc ấy đều chung một quyết tâm sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ đất nước. Được giao nhiệm vụ bảo vệ cột cờ, tôi thấy rất tự hào và vinh hạnh, bởi lá cờ chính là hiện thân cho cách mạng và sự chiến đấu của hàng triệu con người Việt Nam. Mỗi lần bom đạn của giặc đánh gãy cột cờ thì ngay lập tức chúng tôi sẽ dựng một cột cờ mới cao hơn cột cờ lúc trước với nguyên tắc sao cho lá cờ của chúng ta cao hơn lá cờ Mỹ - Ngụy”.

Ban đầu, cột cờ của ta bên bờ Bắc là cây phi lao cao 12 m, phía bên bờ Nam chính quyền Sài Gòn cho cắm cờ trên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15 m. Cờ ta không thể thấp hơn cờ địch, quân và dân giới tuyến lên rừng tìm được cây cao 18 m về làm cột cờ. Phía bờ Nam lại cho dựng một cột cờ bằng bê tông, cốt thép cao 25 m. Từ đây cuộc “chọi cờ” giữa 2 bên diễn ra quyết liệt, nhiều năm liền. Cứ mỗi lần bên bờ Nam làm cột cờ mới, phía bờ Bắc lại làm cột cờ cao hơn.

Những ngày cao điểm, chính quyền Sài Gòn huy động hàng trăm chiếc máy bay ném bom cùng với đạn pháo cỡ lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào với âm mưu phá hủy cột cờ ở phía bắc sông Bến Hải. Lúc ấy, dù phía Bắc phải hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ, nhưng quân và dân Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần quyết tâm, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù.

Nhấp chén nước trà, ông Quang tiếp tục câu chuyện: "Trong những ngày tháng ác liệt đó, bầu trời Vĩnh Linh ban đêm cũng sáng rực do bom, đạn của giặc. Anh em chúng tôi thay nhau túc trực bảo vệ cột cờ, rất nhiều cây gỗ lớn cùng lá cờ được quân và dân ta chuẩn bị. Một khi cột cờ này ngã xuống ngay lập tức sẽ có một cột cờ mới được dựng lên, không thể để cho quân thù thắng được".

Để bảo vệ được lá cờ, rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, nhưng tinh thần cán bộ, chiến sĩ, quân dân địa phương vẫn không hề suy giảm. Họ hi sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho quê hương, cho tương lai thế hệ sau được sống trong hòa bình…

Vượt lửa đạn chở người qua sông

Vào những năm 1967-1968, Mỹ - Ngụy tăng cường bắn phá suốt ngày lẫn đêm ra phía Bắc, hòng làm suy giảm tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết luôn cận kề, vẫn có một nhóm du kích chuyên làm nhiệm vụ chở nhân dân và bộ đội vào phía Nam chiến đấu. Dù bom đạn hết sức khốc liệt, các chiến sĩ vẫn không chùn tay chèo, để đưa bộ đội vượt sông an toàn.

Những du khách quốc tế tham quan Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Những du khách quốc tế tham quan Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc và trò chuyện cùng ông Lê Công Hường (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành) – một nhân chứng lịch sử thời kỳ đó. Cùng tham gia trong Trung đội Dân quân du kích, vào năm 1967, khi cầu Hiền Lương bị bom đạn của quân thù đánh gãy 1 nhịp, ông Hường được cấp trên giao làm Tổ trưởng Tổ chèo đò với nhiệm vụ chở cán bộ, vũ khí, đạn dược, tù binh và nhân dân qua sông.

Ông Hường kể, hồi đó, đội của ông có 6 thành viên, với 2 chiếc thuyền khác nhau mỗi lượt có thể chở được 40 người qua sông. Trong những ngày tháng địch đánh phá với mật độ dày đặc, đội của ông phải tổ chức chèo thuyền vào ban đêm vòng theo bờ sông để đảm bảo an toàn. Anh em trong đội luôn cố gắng hoàn thành trọng trách, dẫu có phải hy sinh thân mình.

Nhắc đến những kỷ niệm thời chiến tranh, ông Hường vẫn chưa quên lần mình bị trúng đạn và bị thương. “Tôi còn nhớ lần đầu tiên bị thương là vào 10/1967, khi chèo thuyền đưa lệnh hỏa tốc sang bờ Nam. Do chèo vào buổi sáng nên máy bay Mỹ phát hiện dội bom, đạn liên tục, rất may tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trước khi bị thương...”

Trong suốt 2 năm liền làm nhiệm vụ, đã bao nhiêu lần ông Hướng cùng đồng đội kề cận với cái chết trong gang tấc, thế nhưng ý chí niềm tin đã giúp ông vượt qua tất cả thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông cho biết, chỉ với 2 chiếc thuyền nhưng trung bình mỗi đêm tổ của ông chở được khoảng 1.900 lượt khách sang sông. Trong đó, chủ yếu là bà con miền Nam vượt sông ra miền Bắc.

Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn âm thầm cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước, quê hương. Tuy nhiên, họ vẫn luôn canh cánh nỗi đau về những đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên hôm nay. Trong vườn nhà ông Quang, trên nền hố bom năm xưa cũng từng có một đồng đội của ông ngã xuống. Bên những đóa sen thơm ngát cũng là chỗ ông tiếp khách, gợi nhớ những kỷ niệm năm xưa.

Ông Quang luôn tâm niệm: “Không ai muốn có chiến tranh để phải cầm súng chiến đấu, phải chịu sự hy sinh hoặc chấp nhận sự chia lìa…nhưng khi đất nước đang gánh chịu nỗi đau chia cắt thì phải dũng cảm đứng lên, dẫu có ngã xuống cũng hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc”.

Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 - Khát vọng thống nhất, nơi lưu giữ những tư liệu chiến tranh
Nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng thống nhất", nơi lưu giữ những tư liệu chiến tranh

Chia tay những nhân chứng lịch sử bên bờ Hiền Lương, chúng tôi chợt nghĩ rằng, không chỉ những vị tướng lĩnh mà những người dân, những cựu binh bình dị, nhưng cũng đã từng một thời cống hiến và góp phần làm nên chiến thắng.

Mấy chục năm trôi qua, đất nước đã thống nhất nhưng dọc đôi bờ Hiền Lương vẫn còn dấu tích của đồn cảnh sát vũ trang Hiền Lương, Cửa Tùng (bờ Bắc), đồn cảnh sát Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam, thuộc Việt Nam Cộng hòa). Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải…là những “địa chỉ đỏ”, khắc họa khá rõ về một thời kỳ chia cắt hai bờ Nam - Bắc.

Đăng Đức – Thanh Toản