Quảng Nam:
Hội thảo khoa học về Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
(Dân trí) - Ngày 6/8, tại Quảng Nam diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam".
Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (7/8/1912 - 7/8/2022).
Hội thảo là dịp để ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, tôn vinh những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ngày 7/8/1912 trong một dòng tộc giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Sớm tham gia cách mạng, đến tháng 5/1935, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử làm Bí thư Chi bộ Mỹ Sơn. Sau đó được bầu làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ (tháng 1/1940), Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 10/1941), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (tháng 12/1942).
Giữa năm 1943, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án khổ sai chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù và đưa đi giam cầm ở nhà lao Hội An, rồi chuyển lên nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông được trả tự do và tham gia Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền một cách nhanh chóng ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Quảng Nam và Liên khu V trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là Ủy trưởng Tư pháp trong UBND cách mạng tỉnh Quảng Nam; Chính ủy Trung đoàn 93; Bí thư Trung đoàn 95 chủ lực của Khu.
Giữa năm 1950, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu V thành lập Ban Cán sự khu Đông Bắc Campuchia và giao ông làm Bí thư kiêm Chính ủy Ban Cán sự Khu. Năm 1952, ông trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.
Giai đoạn này, Bí thư Tỉnh ủy Võ Chí Công đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và lực lượng vũ trang của tỉnh và Liên khu V; chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến Mỹ cứu nước (1954-1975), ông được giao giữ các cương vị, trọng trách Phó Bí thư và Bí thư Liên Khu ủy V (1954-1960); Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961-1965); Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Bí thư Khu ủy V (1964-1975).
Ông đã lãnh đạo quân và dân miền Nam, đặc biệt là ở Liên Khu V, từng bước đánh bại các chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh", chỉ đạo giải phóng các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh gần 80 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Trong những năm tháng đấu tranh giành chính quyền, ông đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù.
"Khi đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công luôn là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, nếp sống khiêm tốn, giản dị, giàu tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào; luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, giữ vững nguyên tắc, nhưng luôn bám sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Đồng chí là tấm gương cao đẹp để mỗi chúng ta trân trọng, tri ân, học tập và noi theo", ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu.
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - khẳng định hội thảo khoa học này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Thông qua các bài tham luận được trình bày tại hội thảo lần này, sẽ làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; đồng thời, làm sáng tỏ hơn tấm gương đạo đức sáng ngời của người.
"Đây sẽ là những tư liệu hết sức quý báu và quan trọng để các đơn vị, địa phương, nhất là tỉnh Quảng Nam thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về sự cống hiến của các bậc lãnh đạo tiền bối đối với đất nước, quê hương", ông Phan Việt Cường phát biểu.
Hội thảo tập hợp hơn 40 tham luận của lãnh đạo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu; qua đó nhằm làm rõ cuộc đời hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam.
Đồng thời, làm sáng tỏ phẩm chất cách mạng kiên cường và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; bổ sung tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông qua các thời kỳ; đồng thời góp phần tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng của các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ hôm nay.