1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Phú Thọ:

Hội thảo khoa học "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương"

(Dân trí) - Ngày mai (13/4), tại Phú Thọ sẽ diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam".

Hội thảo khoa học "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" - 1
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương có từ hàng nghìn năm nay (ảnh: báo Phú Thọ)
 
Trước đó, cuối tháng 3/2011, hồ sơ đề nghị Unesco công nhận tín ngưỡng thờ Hùng Vương là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cũng đã được tỉnh Phú Thọ gửi đi.

Trước thềm hội thảo khoa học lần này, một số nhà khoa học Việt Nam cho biết, tại hội thảo, các vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương sẽ được các nhà khoa học thảo luận sâu.

Hội thảo cũng sẽ tập hợp nhiều ý kiến phản biện đặc biệt quan trọng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế xung quanh vấn đề tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng thờ Hùng Vương.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng mang tính lịch sử - xã hội, tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Cộng đồng dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay luôn nhớ đến tổ tiên, ông bà mà huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ là một câu chuyện đầy ý nghĩa, trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Ngày nay, cộng đồng người Việt Nam ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài nghiễm nhiên coi thờ cúng tổ tiên là một giá trị văn hoá - một hằng số bất biến của giá trị nhân văn cao đẹp của mỗi người Việt Nam. Đó là một tín ngưỡng có nguồn gốc xa xôi, bắt đầu từ tình cảm đầu tiên của quan hệ con người - cùng huyết thống, rộng ra là làng xóm, quốc gia, dân tộc.

Thờ cúng tổ tiên từ gia đình đến toàn thể cộng đồng người Việt là tín ngưỡng mang dấu ấn rõ nét của văn hoá Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng nghìn năm nay và trở thành một bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý “Con người có tổ có tông”.

Còn GS,TS Ngô Đức Thịnh - một trong những người tham gia viết và phản biện hồ sơ tín ngưỡng thờ Hùng Vương trao đổi với báo chí, cho rằng: Tín ngưỡng thờ Hùng Vương khác với những di sản đã được công nhận trước đó. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ quốc tổ. Đây là hiện tượng không phải dân tộc nào cũng có.

Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm