1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những “ngọn cờ” bên dòng sông giới tuyến:

Hồi sinh kỳ diệu ở "vùng đất chết"

(Dân trí) - Từ những hố sâu do bom đạn cày xới, người dân Vĩnh Linh kiên trì, nhẫn nại, bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, san lấp hố bom để tạo nên những cánh đồng bằng phẳng, với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Tháng 7/1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời. Tuy nhiên, Mỹ - Ngụy đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, khiến cho việc thống nhất phải chờ đến 21 năm.

 

Những “ngọn cờ” bên dòng sông giới tuyến – Bài 3: Hồi sinh kỳ diệu ở “vùng đất chết” (Bài chờ)
Khu vực Hiền Lương - Bến Hải hôm nay.

 

Những năm sau đó, chúng liên tục cho máy bay ném bom phá hoại ra miền Bắc. Với vị trí tuyến đầu đất nước, vùng đất Vĩnh Linh đã phải chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ của quân đội Mỹ từ nhiều hướng dội xuống. Trong gần 10 năm (1965 - 1972), kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính bình quân vào thời kỳ đó mỗi người dân Vĩnh Linh đã phải hứng chịu 7 tấn bom đạn các loại. Điều đó cho thấy, sự tàn phá của chiến tranh kinh khủng biết chừng nào. 

Chiến tranh kết thúc, nhân dân ta mới có cơ hội bắt tay vào khắc phục hậu quả. Công cuộc cải tạo lúc đầu gặp không ít khó khăn, nhưng bằng chính sự bền bỉ, dẻo dai, “vùng đất chết” xưa nay đã trở thành những khu vườn trù phú, bạt ngàn màu xanh, cùng với đó là những khu vực nuôi trồng rộng rãi, xa tít tắp bên dòng giới tuyến.

Làm giàu trên những… hố bom

Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng nuôi tôm, ông Phạm Xuân Á, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản xã Vĩnh Thành hồ hởi nói: “Chú nhìn xem, khu vực nuôi tôm này rộng gần 70 héc ta đấy. Chiến tranh đi qua, vùng đất này chỉ toàn những hố sâu do bom đạn cày xới. Sau đó, người dân địa phương đã đổ biết bao mồ hôi, tập trung sức người, sức của cùng máy móc san ủi cho bằng phẳng để canh tác lúa. Lúc đó còn nghèo khó nên nhiệm vụ đầu tiên là phải đảm bảo được cái ăn, quyết không để đứt bữa. Sau khi ổn định được nguồn lương thực, bà con đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm sú. Rồi cứ dần dần, diện tích nuôi trồng tăng lên. Đến nay đã có trên 110 hộ nuôi tôm. Nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà cuộc sống của bà con ngày càng khá giả. Nhiều hộ đã tích lũy được tiền để xây dựng nhà cửa, sắm đồ dùng tiện nghi và cho con cái đi học đàng hoàng. Doanh thu từ nuôi tôm của HTX trung bình từ 19-20 tỷ đồng đấy.

 

Nhờ nuôi tôm sú mà nhiều hộ dân ở Vĩnh Linh có điều kiện xây dựng nhà cửa, cho con cái ăn học
Nhờ nuôi tôm sú mà nhiều hộ dân ở Vĩnh Linh có điều kiện xây dựng nhà cửa, cho con cái ăn học

 

Từng tham gia kháng chiến ở chiến trường Nam Lào, ông Á trở về quê hương và xây dựng cuộc sống gia đình. Những năm sau đó, ông chuyển về công tác tại Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn rồi nghỉ. Nhờ có chút kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, ông không chấp nhận sự nghèo khó, quyết tâm đưa kinh tế gia đình đi lên.

Ông Á kể: “Trước đó, vùng đất này chịu ảnh hưởng của chua, phèn, ngập lụt nên chỉ canh tác được một vụ lúa, sản lượng mỗi năm cũng chỉ đủ ăn. Từ năm 2003, nhiều anh em trong xã vận động nhau đào hồ nuôi tôm. Tuy vậy, do chưa có kinh nghiệm nên không lường trước được rủi ro, tôm bị dịch bệnh chết, thu nhập lúc ấy cũng không được bao nhiêu. Những năm sau đó, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Sở Thủy sản nên có nhiều kinh nghiệm hơn. Nhiều hộ có điều kiện mở rộng quy mô nuôi trồng. Tính sơ sơ sau vụ tôm, mỗi hộ cũng dư giả được vài chục triệu đồng, hộ nuôi nhiều cũng lên tới 150 triệu đồng/vụ đó”.

 

Sau khi trừ mọi chi phí, hồ nuôi tôm của ông Á cho nguồn thu từ 70-80 triệu đồng/năm
Sau khi trừ mọi chi phí, hồ nuôi tôm của ông Á cho nguồn thu từ 70-80 triệu đồng/năm

 

Với 8 sào đất, ông Á thuê máy về đào một hồ nuôi. Sau khi thu hoạch, trừ mọi chi phí ông cũng dư được 70 - 80 triệu đồng. Nhờ nuôi tôm kết hợp với trồng tiêu mà mỗi năm ông Á cũng thu được khoảng trên 130 triệu đồng. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, vợ chồng ông cũng sắm thêm một máy xay xát để phục vụ bà con trong xã.

Từ nguồn thu có được mà vợ chồng ông đã đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi 4 người con ăn học. Đến nay, hai người con lớn của ông đã có việc làm ổn định, con trai thứ 3 đang theo học Đại học An ninh, con cuối đang học lớp 12.

 

Dù có những năm nuôi trồng khó khăn nhưng kinh tế của gia đình anh Hòe cũng khá hơn so với trước
Dù có những năm nuôi trồng khó khăn nhưng kinh tế của gia đình anh Hòe cũng khá hơn so với trước

 

Đứng giữa khu vườn bạt ngàn cây hồ tiêu, ai nấy đều trầm trồ, khen ngợi về tài năng và nghị lực vượt khó của cặp vợ chồng đều giáo viên Lê Xuân Đô. Từ khi hai vợ chồng nghỉ hưu, họ đã chú trọng phát triển kinh tế gia đình và hiện nay mô hình kinh tế của hai vợ chồng ông Đô được nhiều người dân xã Vĩnh Thành đến tham quan, học hỏi.

Ông Đô cho biết: Năm 2004, vợ chồng ông thầu lại khu đất này, vay mượn đầu tư, năm 2006 – 2007 bắt đầu chuyển sang trồng tiêu. Đến nay khu vườn của ông đã có trên 2.000 gốc tiêu xanh tốt. Ngoài trồng tiêu, vợ chồng ông trồng xen thêm các cây lương thực và chăn nuôi...

Những năm gần đây, do sức khỏe yếu nên vợ chồng ông giao lại cho người con trai là Lê Việt Tiến (SN 1986) chăm sóc. Anh Tiến tốt nghiệp ngành Tài chính kế toán nhưng trở về quê hương giúp ba mẹ phát triển trang trại.

 

Dù có những năm nuôi trồng khó khăn nhưng kinh tế của gia đình anh Hòe cũng khá hơn so với trước
Thu nhập từ vườn tiêu giúp cho kinh tế gia đình anh Tiến và nhiều hộ dân Vĩnh Linh trở nên khấm khá hơn 

 

Anh Tiến cho biết, mỗi năm khu vườn của anh cho sản lượng khoảng 5-6 tạ tiêu, lúc nhiều cũng được hơn 7 tạ, thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng/vụ. Nhờ đó mà đời sống gia đình cũng bớt khó khăn hơn trước. Hiện tại, trang trại của anh Tiến đang tạo việc làm cho khoảng 7-8 lao động địa phương, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.

“Vùng đất chết” đã “nở hoa”

Đứng trên cây cầu Hiền Lương lịch sử, nhìn về 2 phía sông Bến Hải, hẳn ai cũng thấy ngạc nhiên. 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng “tuyến lửa” Vĩnh Linh đã hồi sinh một cách kỳ diệu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Á dí dỏm: “Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nếu so với 10 năm trước thì đời sống của người dân địa phương đang thay đổi từng ngày. Đó là kết quả của quá trình lao động hăng say, bền bỉ và ý chí quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

 

Khu nuôi trồng thủy sản bên bờ sông giới tuyến
Khu nuôi trồng thủy sản bên bờ sông giới tuyến

 

Phóng tầm mắt ra xa, nhìn những cánh đồng lúa trù phú, được bồi đắp phù sa từ dòng sông Bến Hải, vốn chịu nhiều đau thương, chia cắt lẫn sự chết chóc, rồi những đồi tiêu bạt ngàn, vườn cao su xanh ngút, những cảng cá sôi động… chúng tôi thấy rằng những lời của ông Á vừa nói cũng rất đúng thực tế.

 

Cây cao su được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế vùng gò đồi Vĩnh Linh, Gio Linh
Cây cao su được xem là "mũi nhọn" trong phát triển kinh tế vùng gò đồi Vĩnh Linh, Gio Linh

 

Nói về những thành tựu của địa phương sau quá trình đổi mới, ông Nguyễn Văn Tư, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành, cho biết, sau chiến tranh, từ một xã hoang tàn đổ nát, chịu nhiều đau thương của chiến tranh, người dân địa phương đã có nhiều cố gắng, vươn lên, san lấp hố bom để xây dựng cuộc sống mới.

Nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi, nuôi tôm sú, trồng trọt cây hồ tiêu, cây cao su… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng đã chú trọng các mũi nhọn: cao su, hồ tiêu, nuôi trồng thủy sản…đã góp phần đưa kinh tế đi lên.

Sự phát triển của Vĩnh Thành hôm nay cũng như huyện Vĩnh Linh nói chung đã phần nào cho thấy quyết tâm đổi mới, xây dựng đất nước, sự kiên cường của người dân trên mảnh đất đau thương này.

Đăng Đức