Hội Nhà báo Việt Nam góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng
(Dân trí) - Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng, gắn bó góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và những người làm báo dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ (ATK Định Hóa, Thái Nguyên).
Ngày này của 65 năm về trước (ngày 21/4/1950), Hội Những người viết báo Việt Nam đã ra đời tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Sáng 21/4, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cùng đại diện Hội Nhà báo các tỉnh thành trong cả nước và đông đảo các thế hệ nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam khắp mọi miền Tổ quốc tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2015) với chủ đề “Về nơi nguồn cội”, Hội đã trở về nơi khai sinh ra Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, cách đây 65 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân đang diễn ra ác liệt, tại chính địa điểm tổ chức buổi lễ hôm nay thuộc xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay đã được thành lập do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng.
Những người dân tại xã Điềm Mặc năm nào luôn ở bên những người làm báo Cách mạng.
Ông Phạm Quốc Toản khẳng định, trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Hội Nhà báo Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng, gắn bó đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo trong cả nước tham gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.
65 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam thực sự xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo. Tổ chức Hội hiện đã có trên 22.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh và thành phố, 19 liên chi hội và 188 chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Trong 5 năm qua, cùng với toán Đảng, toàn quân, toàn dân, giới báo chí, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX Hội nhà báo Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, những hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, tiếp bước các thế hệ nhà báo cha anh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, phục vụ lợi ích của đất nước của nhân dân.
Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (bìa phải) - cùng nhà hảo tâm tặng quà đến tay người dân xã Điềm Mặc.
Tại Lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã bày tỏ niềm tự hào khi quê hương cách mạng Thái Nguyên là nơi ra đời tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời còn là nơi tổ chức lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng - lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên của Việt Nam tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định, sẽ phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm thành lập và nhà trưng bày di tích Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, tạo sự kết nối liên thông giữa di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam với các điểm di tích khác trong vùng...
Nhân dịp này, một số doanh nghiệp, các cơ quan báo chí đã trao quà cho đồng bào các dân tộc xã Điềm Mặc và tổ chức dâng hương, báo công dâng Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, Định Hóa.
Hồng Ngân