1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khánh Hoà:

Hội người mù cũng tham nhũng!

Trong khi các hội viên mò mẫm tìm kế mưu sinh, dắt díu nhau đi bộ mỗi ngày hàng chục cây số để bán từng cái chổi, gói tăm... thì một nhóm người thường trực lãnh đạo Hội Người mù tỉnh Khánh Hoà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ngang nhiên ăn chặn hàng chục triệu đồng từ những món quà tình nghĩa của các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội gửi tặng người mù.

Hội Người mù tỉnh Khánh Hoà hình thành năm 1981, đến nay đã phát triển được 733 hội viên, trong tổng số hơn 2.300 người mù cư trú trên địa bàn. 4 chi hội người mù ở TP Nha Trang, thị xã Cam Ranh, huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà sinh hoạt trực thuộc Hội Người mù tỉnh, nhưng quản lý tài chính và hạch toán thu, chi hoàn toàn độc lập.

 

Nguồn thu của các cấp hội chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các nhà hảo tâm, viện trợ quốc tế, tiền trích nộp từ các cơ sở kinh tế của hội hoặc do hội tự vận động, quyên góp và một phần hỗ trợ của Quỹ Từ thiện xã hội của tỉnh.

 

Thường trực lãnh đạo Hội Người mù tỉnh Khánh Hoà (2 nhiệm kỳ, từ 1996-2006) gồm 3 thành viên là các ông Bùi Đình Thanh (Chủ tịch), Nguyễn Minh Khánh (Phó Chủ tịch) Nguyễn Khắc Thảo (Uỷ viên thường trực). Ngoài ra còn có 2 người sáng mắt làm việc tại văn phòng hội là ông Hoàng Văn Tốn (phụ trách tổ chức hành chính) và bà Phạm Thị Thanh (kế toán).

 

Theo phản ánh của hội viên, từ năm 1996 đến nay, với danh nghĩa vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... đóng góp tiền, hiện vật để gây quỹ trợ giúp hội viên nghèo, Hội Người mù tỉnh Khánh Hoà đã có được nguồn thu ổn định mỗi năm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng, ngoại trừ phần hỗ trợ trực tiếp theo yêu cầu của những người làm từ thiện, số tiền và hiện vật chuyển đến văn phòng hội thường bị lãnh đạo bớt xén khoảng một nửa để chia nhau.

 

Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hoà cho biết, bước đầu, mới chỉ kiểm tra để xác minh nội dung đơn thư tố cáo, đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của ban lãnh đạo Hội Người mù tỉnh.

 

Chẳng hạn, năm 1998 bà Nguyễn Thị Trâm (Việt kiều ở Thụy Sĩ) ủng hộ 10.000USD, lãnh đạo Tỉnh hội Người mù Khánh Hoà hoàn toàn không chi vào mục đích hỗ trợ hội viên, mà trích hoa hồng 10% cho người trực tiếp vận động, chi bồi dưỡng nhóm 5 người nêu trên gần 50.800.000 đồng. Phần còn lại (gần 73.700.000 đồng) chi mua sắm vật dụng và hoạt động thường xuyên của văn phòng hội...

 

Đó là chưa kể đến việc chỉ đạo quyết toán khống, khi mở 1 lớp học cho người mù tại huyện Diên Khánh lên đến gần 19.500.000 đồng và đã chia cho nhau gần 13.800.000 đồng.

 

Cũng trong năm 2005, nhóm người này còn ăn chia 51/200kg đường, 120/240 lon sữa, cùng nhiều nước tăng lực, mì tôm, cá hộp... mà các doanh nghiệp đã gửi tặng người mù. Riêng khoản tiền 300 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ từ thiện xã hội tỉnh Khánh Hoà chuyển về từ năm 2002 đến nay - để cho hội viên vay vốn làm kinh tế cải thiện đời sống - lãnh đạo Hội Người mù tỉnh chỉ giải ngân 2 đợt đầu (200.000.000 đồng).

 

Đợt 3 (tháng 9/2004), nhận tiền xong, 5 người nói trên thống nhất đem hơn 9.000.000 đồng gửi tiết kiệm để lấy lãi để "trợ cấp khó khăn" cho nhau, mỗi tháng 120.000 đồng/người!

 

Xin nói thêm, công văn số 55 ban hành ngày 28/5/1990 của Hội Người mù Việt Nam, về việc hướng dẫn thực hiện chính sách tài chính đã tạo kẽ hở quá lớn, khi cho phép các cấp hội "được trích 30% số tiền do hội tạo ra (từ tất cả các nguồn hỗ trợ, trừ kinh phí nhà nước cấp) đưa vào quỹ phúc lợi của văn phòng để bù thêm lương cho cán bộ, nhân viên, kể cả người sáng mắt; chi các khoản phụ cấp do hội ban hành, chi về nghỉ việc mất sức cho cán bộ mù".

 

Quả là bất công, khi chỉ một nhóm 4-5 người được hưởng 30% tổng số tiền xã hội đóng góp cho một tổ chức.  

 

Theo Bảo Chân

Lao Động