Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội
Hôm nay (23/2), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Bảo đảm tính đại diện, tiêu chuẩn và chất lượng
Tại Hội nghị này, các đại biểu của Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã thảo luận về dự kiến cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn phân bổ 183 đại biểu Quốc hội Khóa XIII ở Trung ương, trong đó có 31 đại biểu của MTTQ VN và các đoàn thể, trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Đại diện cho giới doanh nhân trẻ, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cũng bày tỏ số lượng đại biểu doanh nhân chỉ có 4 người là quá ít so với số lượng của Hội.
Ông Thắng cho biết, một số lãnh đạo tỉnh, thành tham gia Quốc hội Khóa XI chưa bảo đảm đủ thời gian cho các hoạt động Quốc hội vì phải xử lý các công việc ở địa phương quá nhiều trong khi Luật quy định đại biểu phải dành ít nhất 1/3 thời gian cho hoạt động của Quốc hội. “Ngay như tôi cũng cảm thấy có lỗi khi chỉ dành được 50% thời gian cho hoạt động lập pháp mà thôi”, ông Thắng nói.
Đại biểu phải đáp ứng được các yêu cầu trong tình hình mới
“Khi giới thiệu cần chú trọng đến tiêu chuẩn năng lực của đại biểu phải cao hơn khóa trước. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đại biểu là người ngoài đảng nếu họ có tâm, có tài”, ông Thường nêu ý kiến.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa kiến nghị tăng số lượng đại biểu là nữ ứng cử lên 35% để khi bầu đạt tỷ lệ 30% đại biểu nữ như dự kiến (khoảng 150 đại biểu).
Tuy nhiên, bà Hòa cũng nêu ý kiến làm sao để phụ nữ không phải “gánh” nhiều cơ cấu như là phụ nữ, trẻ tuổi, người ngoài Đảng, đồng bào dân tộc thiểu số bởi “gánh” nhiều như thế rất khó bảo đảm tỷ lệ 30%.
Phó Chủ tịch MTTQ VN Trần Hoàng Thám nhấn mạnh, trong dự kiến phân bổ cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội lần này cần căn cứ vào thực tiễn hoạt động của Quốc hội Khóa XII từ đó có cơ cấu, thành phần thích hợp để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu nhiệm kỳ tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là sự kiện chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cơ cấu, thành phần đại biểu hợp lý phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu hoạt động của Quốc hội trong tình hình mới.
Dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Trung ương về ứng cử tại địa phương là 183. Cụ thể, địa phương có 6 đại biểu thì có 2 đại biểu Trung ương, có 7 đến 9 đại biểu thì có 3 đại biểu Trung ương, có 10 đến 13 đại biểu thì có 4 đại biểu Trung ương, có 15 đến 16 đại biểu thì có 6 đại biểu Trung ương, có 30 đại biểu trở lên thì có 11 đại biểu Trung ương. |