TPHCM:
"Học viên vào trường cai nghiện đều mập hơn, trắng hơn"
(Dân trí) - “Các cơ sở cai nghiện của thành phố luôn đảm bảo thông thoáng sạch sẽ, chế độ ăn uống đảm bảo với tinh thần xem các em, các cháu đang cai nghiện tại đây là người bị bệnh mãn tính, bị khiếm khuyết nhân cách, không phải là tội phạm. Nói chung anh em đến đây mập ra, trắng trẻo hơn”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố ngày 2/12, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Lê Minh Tấn cho biết trước tình hình các tỉnh lân cận có tình trạng học viên cai nghiện trốn trường trại gây bạo động, TPHCM rất quan tâm.
Vừa qua, lãnh đạo UBND TP đã trực tiếp đi thăm các cơ sở cai nghiện và chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt hơn nữa công tác trị liệu, dạy học nghề, học chữ, chăm lo sức khỏe và vui chơi giải trí.
“Các cơ sở cai nghiện của thành phố luôn đảm bảo thông thoáng sạch sẽ, chế độ ăn uống đảm bảo với tinh thần xem các em, các cháu đang cai nghiện tại đây là người bị bệnh mãn tính, bị khiếm khuyết nhân cách, không phải là tội phạm. Cán bộ công chức cùng ăn cùng ở với các em, coi người cai nghiện như người thân đang gặp hoàn cảnh khó khăn để giúp họ sớm trở thành người tốt. Nói chung anh em đến đây mập ra, trắng trẻo hơn”, ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, TPHCM không bị tác động từ các vụ học viên cai nghiện trốn trường xảy ra ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh. Nhân viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở cai nghiện, cơ sở học tập trên địa bàn đều yên tâm trị liệu, dạy văn hóa, học nghề cho học viên.
Ông Tấn cũng cho biết, thành phố có 19.000 người dương tính với ma túy. TP đã đưa 11.200 người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ở 12 cơ sở cai nghiện, trong đó 9 cơ sở tâp trung và 3 cơ sở xã hội. Ngoài ra, khoảng 8.000 người có nơi cư trú ổn định đang cai nghiện tự nguyên tại gia đình và bắt buộc tại cộng đồng.
“Có 60% số các học viên cai nghiện là người nghiện ma túy tổng hợp. Các học viên được cho cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý để các em sớm hoàn thiện nhân cách trở về gia đình sau 24 tháng. Nếu học viên tái nghiện thì đưa vào giáo dục ở gia đình, cộng đồng. Đấu tranh chống sử dụng ma túy đá là cực kỳ khó khăn với ngành chức năng”, ông Tấn nói.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM hiện có hơn chục trường, trại cai nghiện nằm trên địa bàn thành phố và ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, đến giờ này chưa có trường hợp bỏ trường mang tính tập thể.
“Có thể nói qua kiểm tra đến giờ này, TP chưa có trường hợp bỏ trường mang tính tập thể. Sở dĩ đạt được như vậy là nhờ 8 nhóm nguyên nhân, trước hết là cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, căn cơ. Cơ sở hiện nay tốt hơn nhiều địa phương trong khu vực. TP có đội ngũ giáo viên tâm lý, hiểu biết đối tượng, hiểu biết phương pháp tư vấn, ứng xử… với học viên. Các cơ sở cai nghiện của TP không bị quá tải”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, các học viên cá biệt đều được quan tâm, gặp gỡ, động viên kịp thời nên hạn chế tối đa ức chế tâm lý. Trung tâm cũng tạo mọi điều kiện để gia đình, người thân học viên được thăm nom, động viên con em mình.
“Chúng ta quản lý vừa mềm vừa rắn. Đặc biệt quan tâm tốt đến việc rèn luyện thể chất, thể thao, vui chơi giải trí, giáo dục ý thức đã góp phần giảm ức chế của các học viên”, ông Hoan nói.
Quốc Anh