1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Học sinh lớp 6 giải thành công đề tốt nghiệp THPT

Đề thi Toán tốt nghiệp THPT năm 2007 có thời lượng 150 phút được các em giải trong vòng 45 phút. Kết quả, hai học sinh được 9,75 điểm, em đạt kết quả thấp nhất cũng được 7,75 điểm.

Nhóm học sinh này gồm: Nguyễn Minh Thắng, Lê Nguyễn Vương Linh, Hoàng Minh Sơn, Ngô Đặng Hải (đều 12 tuổi) và Phạm Tiến Long (11 tuổi). Linh và Hải là học sinh THCS Hà Nội - Amsterdam, Long học THCS Trưng Vương (Hà Nội), Sơn học ở một trường thuộc diện chẳng mấy “tiếng tăm” - THCS Ngô Quyền (Hà Nội). Thắng là học sinh THCS Lương Thế Vinh (Thái Bình).

 

Tất cả nhóm học sinh này vừa học xong lớp 6 và hiện theo học lớp học đặc biệt của thày giáo Trần Phương (Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam).

 

Xuất thân của các em không có gì đặc biệt. Bố Sơn là lao động tự do, mẹ bán hàng lặt vặt ở nhà. Bố mẹ các em còn lại hầu hết đều là cán bộ, công nhân viên nhà nước hoặc là công nhân.

 

Để theo đuổi lớp học đặc biệt được đến thời điểm này, các em đã phải trải qua một quá trình “sàng lọc tự nhiên”. Lúc đầu, lớp có 15 học sinh. “Buổi thứ hai còn 12”, Long nhanh nhảu nói. “Buổi thứ 3 còn 10”, Thắng tiếp lời. Và sau Tết thì chỉ còn 5 người.

Long nhớ lại: “Buổi đầu tiên tất cả chúng cháu đều “choáng”. Trong một buổi 4 giờ, chúng cháu phải giải quyết kiến thức đã được thầy khái quát và tổng hợp lại trong 30 trang A4. Mỗi buổi chúng cháu phải học chương trình môn Toán của một lớp, hết lớp 7 đến lớp 8 rồi lớp 9 lớp 10... Hiện nay chúng cháu đang học chương trình Toán lớp 12”.

 

Sau lời “trần tình” của Long, cả nhóm nhao nhao: “Nhưng càng ngày chúng cháu càng thấy đỡ choáng hơn. Bây giờ thì thấy bình thường và rất thích học”.

 

Mỗi tuần các học sinh đặc biệt này chỉ học một buổi sáng chủ nhật với thời lượng 3-4 giờ. Chỉ sau 9 tháng, các em đã tiếp thu một khối lượng kiến thức khá lớn. Mỗi buổi học, thày Phương phát cho trò tập photo bài giảng. Có khi một bài học chỉ được thày giới thiệu trong vài ba dòng với 3- 4 phút thuyết trình. Sau đó, các em phải tự học, tự tìm cách giải quyết vấn đề.

 

Linh kể: “Trong buổi học, thỉnh thoảng thày lại pha trò bằng những câu rất vui khiến chúng cháu cười nghiêng ngả”. Cuối giờ, thày cho bài tập về nhà nhưng không bắt buộc phải làm hết. Thế nhưng bạn nào cũng cố gắng tranh thủ thời gian để làm được nhiều bài nhất.

 

“Nhờ học ở đây, chúng cháu học được cho mình cách suy nghĩ, suy luận phù hợp để có thể ghi nhớ kiến thức một cách nhanh nhất”, Long nói.

 

Thày Phương biết đến 5 học sinh này qua chương trình “Thần đồng đất Việt” (Đài truyền hình VTC). Thành tích của các em không phải đều nổi bật, chỉ hạng nhất nhì của tuần hoặc của tháng... Duy nhất có Hải là lọt vào chung kết năm. Tuy nhiên, các em đều là học sinh giỏi, đặc biệt là môn Toán.

 

“Tôi không chủ đích tìm những em xuất sắc nổi trội. Chỉ cần các em thông minh, có tư chất là đã có thể trở thành học sinh trong lớp. Những em như thế ở nước ta có khá nhiều, khoảng 10% trong tổng số học sinh cùng lứa tuổi”, thày Phương cho biết.

 

Theo thày Phương, việc tổ chức lớp học trên nhằm “hiện thực hoá” ý tưởng: xây dựng một công nghệ đào tạo để từ đó tạo ra những học sinh tài năng thực sự và có kiến thức giỏi toàn diện trong thời gian ngắn nhất. Môn Toán chỉ là bước thử nghiệm đầu tiên.

 

“Cái đích của tôi không phải là để tạo ra những học sinh đoạt giải kỳ thi Olympic quốc tế. Học sinh giỏi Toán quốc tế chỉ giỏi một môn. Còn tôi muốn các em học giỏi nhiều môn nhất trong cùng một đơn vị thời gian. Khi vào đời, các em sẽ là những người thành công trong công việc”, thày giáo này nhấn mạnh.

 

Ông Hoàng Văn Tùng, bố Sơn cho biết, gia đình quan niệm, tự cháu thích và có khả năng học thì theo, bố mẹ không ép. Việc kèm Sơn học hàng ngày được phân công cho chị gái (hiện là sinh viên năm 2 ĐH Hà Nội), nhưng cậu học trò này rất ham học và tự giác.

 

Ở trường, các em đều là học sinh giỏi toàn diện, hoạt bát, hoà đồng với bạn bè, tham gia tích cực các hoạt động tập thể. Năm học vừa qua, Linh còn đạt giải ba môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi do trường tổ chức.

 

Mong muốn của thày Trần Phương là trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, 5 em này sẽ được dự thi môn Toán cùng thời điểm với các thí sinh. Nếu quy chế không cho phép, các em có thể sẽ bắt đầu làm bài sau khi môn thi kết thúc.

 

Để đảm bảo tính bí mật của đề thi, các em sẽ được ngồi trong khu vực được cách ly suốt thời gian thí sinh làm bài và có sự giám sát của cơ quan chức năng.

 

“Tôi muốn có một sự đánh giá khách quan, trung thực về mô hình thử nghiệm của tôi. Nếu các em đạt điểm từ 6 trở lên, tôi xem đó là một thành công để triển khai tiếp công nghệ đào tạo của mình trên diện rộng hơn”, thày Phương mong muốn.

 

Theo Tiền Phong