1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Học sinh bị thầy giáo đánh không muốn đi học nữa

Người nhà của học sinh bị thầy giáo dạy Sử đánh trọng thương cho biết, sức khoẻ của em này hiện đã bình phục song diễn biến tâm lý của em rất xấu, em hay buồn bã và không muốn tiếp tục đến trường.

Học sinh bị thầy giáo đánh không muốn đi học nữa - 1
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoàn cảnh của em Phạm Văn, học sinh bị thầy giáo Lê Văn Châu, giáo viên dạy Sử của Trường THPT Bán công Nguyễn Khuyến (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đánh rất đáng thương. Bố em Văn vừa mất cách đây hơn 1 tháng do tai nạn giao thông.

 

Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Khuyến - cho biết, khi sự việc xảy ra, nhà trường không hề hay biết. Đến khi gia đình trình báo vụ việc vào chiều ngày 18/2, nhà trường lập tức cử cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Diệp và Nguyễn Thị Bích Trâm cùng người nhà đưa em Văn đến bệnh viện khám, điều trị.

 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, sáng ngày 20/2, nhà trường đã chính thức đình chỉ việc giảng dạy của thầy Châu để làm kiểm điểm. Đồng thời báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng, xử lý theo đúng qui định của pháp luật.

 

Khi được hỏi em Văn có phải là học sinh cá biệt? Bà Phạm Thị Vân Anh khẳng định: “Em Phạm Văn không phải là học sinh cá biệt, nhưng trong thời gian trước Tết Nguyên đán, ba của em bị chết do tai nạn giao thông. Chính vì vậy em Văn có những biểu hiện buồn bã, trầm tư. Nhà trường đã động viên em Văn bằng mọi giá phải tiếp tục theo học. Nhưng do thầy giáo Lê Văn Châu không tìm hiểu nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên!”.

 

Điều đáng nói là thầy Lê Văn Châu đã có thâm niên gần 10 năm giảng dạy môn Lịch Sử. Đánh giá về chuyên môn, nhà trường khẳng định thầy Châu là một giáo viên có trình độ, nhưng tính tình nóng nảy, thường xuyên nạt nộ hoặc dùng hình phạt để răn dạy đối với học sinh. Trước đây, cũng đã xảy ra một số trường hợp nhưng không gây thương tích cho học sinh nên bản thân các em và gia đình không có ý kiến.

 

Nhiều học sinh học giờ Sử của thầy Châu tại trường Nguyễn Khuyến (đề nghị không nêu tên) cho biết: Mỗi khi đến giờ Sử của thầy là các em lo sợ. Bởi thầy thường áp dụng hình phạt rất ngược đời: biết cũng phạt, không biết cũng phạt.

 

Chiều 21/2, chúng tôi đã tìm gặp nhiều lãnh đạo của ngành giáo dục Quảng Nam. Nhưng tất cả đều từ chối trả lời quan điểm về vụ việc. “Tất cả mọi việc chúng tôi đang xử lý và không muốn báo chí quan tâm…” - một lãnh đạo ngành giáo dục nói.

 

Khi được hỏi về quan điểm xử lý vụ việc của cơ quan tố tụng. Một cán bộ lãnh đạo Công an huyện Điện Bàn cho biết, hiện cơ quan công an chưa nhận được đơn thư hoặc khiếu nại của gia đình học sinh.

 

Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh, cơ quan Công an Điện Bàn đã cử lực lượng theo dõi vụ việc. Quan điểm của công an là nếu vụ việc nghiêm trọng, sau khi có giám định tỷ lệ thương tích trên 11% và có đơn yêu cầu của người bị hại thì sẽ khởi tố vụ án. Còn ngược lại, tuỳ theo mức độ sẽ giao cho địa phương và ngành xử lý hành chính.

 

Hiện em Phạm Văn đang được điều trị tại Khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa huyện Điện Bàn. Các y bác sĩ điều trị cho em Văn cho biết, qua chẩn đoán và phim chụp, xương đùi trái của em Văn bị rạn, nên cần phải cố định để điều trị. Những chấn thương phần mềm khác không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

Theo người nhà của em Văn, sức khoẻ của em Văn đã bình phục. Song diễn biến tâm lý của em Văn rất xấu. Em hay buồn bã và không muốn tiếp tục đi học.

 

Theo Hoàng Anh

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm