Học giả Nga: “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ ngày càng giành nhiều thắng lợi"
Tiến sĩ Evgeny Kobelev cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ càng ngày càng giành được nhiều thắng lợi.
Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN – Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về lịch sử, chính trị - xã hội Việt Nam. Ông là người đặc biệt yêu quý và nghiên cứu sâu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là tác giả các cuốn sách "Hồ Chí Minh", “Người Nga nói về Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” và nhiều bài báo về Người đăng tải trên báo chí Việt Nam và Nga.
Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn TS Evgeny Kobelev tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga.
PV: Thưa ông, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến Liên Xô vào năm 1923. Chuyến đi này đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho những thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của đất nước Việt Nam. Là một nhà nghiên cứu đã xác minh được tài liệu đó, ông có thể tiết lộ rõ hơn về chi tiết này?
TS Kobelev: Trong những tác phẩm của các tác giả ở Việt Nam nói về Hồ Chí Minh, có thông tin Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sang Liên Xô lần đầu tiên là cuối tháng 1 năm 1924, tức là ngay sau khi Lênin qua đời. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu tài liệu của kho lịch sử Nga, tôi đã tìm ra một tài liệu của Đại sứ quán Pháp ở Moscow viết rằng: “Xin báo cáo với ông rằng Nguyễn Tất Thành, tên khác là Nguyễn Ái Quốc đã đến Moscow và hiện nay ở Moscow từ tháng 1 năm 1924”. Có lẽ tác giả ở Việt Nam dựa vào điểm này. Nhưng thực ra Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang Moscow từ ngày 30 tháng 6 năm 1923. Ngày giờ chính xác khi đi qua biên giới Liên Xô của Người được ghi lại.
Các nhà lưu trữ đã cẩn thận giữ gìn giấy chứng nhận cho phép nhập cảnh dưới cái tên nhiếp ảnh gia Chen Vang, người đi du lịch. Giấy chứng nhận do đại diện của Liên Xô ở Đức cấp thay cho hộ chiếu. Nhiếp ảnh gia Chen Vang đi trên tàu thủy của Đức vào Petrograd (tức Saint Petersburg ngày nay) ngày 30/6/1923. Tấm ảnh của Hồ Chí Minh thời trẻ dán trên tấm giấy chứng nhận và dấu của đồn biên phòng cảng Petrograd ghi rõ ngày nhập cảnh của vị hành khách nước ngoài là minh chứng cho điều đó.
Hồ Chí Minh ở Moscow khoảng 1 năm rưỡi với rất nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra. Hồ Chí Minh đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế, ngay cả Hội nghị Quốc tế của Phụ nữ vì ông là đại diện duy nhất của Đông Dương ở Moscow.
Hồi đó không ai biết Nguyễn Ái Quốc là ai nhưng phóng viên tạp chí Tia Lửa của Liên Xô đã lần đầu tiên phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc. Trong bài phỏng vấn đó có một câu dự đoán: “Nguyễn Ái Quốc có một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có thể là văn hóa của tương lai vĩ đại”.
Sau đó, Hồ Chí Minh đã vào học tập ở Học viện Nhân dân lao động của các nước Phương Đông. Ngoài ra, Hồ Chí Minh đã tham dự Hội nghị Quốc tế của Nông dân thế giới và đã được bầu vào Chủ tịch Đoàn của tổ chức này. Hồ Chí Minh đã viết nhiều bức thư cho Chủ tịch Đoàn của Quốc tế Cộng sản, đề nghị phát triển phong trào Cộng sản không chỉ ở châu Âu mà cả ở các nước thuộc địa.
Đến cuối năm 1924, Hồ Chí Minh viết thư cho Chủ tịch Đoàn của Quốc tế Cộng sản xin cho phép sang Quảng Châu vì hồi đó ở Quảng Châu có nhiều nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam chạy sang đó để tránh Pháp truy đuổi. Như vậy trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà hoạt động cách mạng bắt đầu lãnh đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam.
PV: 6 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại Liên Xô có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, thưa ông?
TS Kobelev: Trong 6 năm này, Hồ Chí Minh đã chủ yếu học tập khoa học cách mạng, nâng cao trình độ chính trị, nghiên cứu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười. Tôi xin nói một ý mà trước đây ít người để ý đến là Hồ Chí Minh đã học tập kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười một cách sáng tạo. Quá trình làm cách mạng ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tránh khỏi những sai lầm của Đảng Cộng sản Bolshevik. Tôi cho đó là ba sai lầm: Một là Đảng Bolshevik đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này.
Hai là Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến. Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh.
Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II. Hồ Chí Minh ngược lại, không tiêu diệt vua Bảo Đại mà đề nghị Bảo Đại làm Tổng cố vấn của Chính phủ cách mạng.
Năm 1991, phe đối lập đã sử dụng 3 sai lầm này của Đảng Bolshevik để chống lại Chính phủ Liên Xô, trên cơ sở đó làm Liên Xô tan rã.
Hiện nay, có thể nói Việt Nam là một nước phồn vinh, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức một Hội thảo khoa học ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 50 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả các đại biểu tham luận tại hội thảo đều nhấn mạnh những tư tưởng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, sức sống mà Việt Nam dựa vào những tư tưởng này, đi theo một con đường phát triển đúng đắn và đã đưa nước Việt Nam đến phồn vinh.
PV: Năm nay, Việt Nam và Nga sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950 – 30/1/2020). Là một nhà nghiên cứu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhìn nhận tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đất nước và nhân dân Nga cũng như mối quan hệ Nga – Việt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây đắp như thế nào?
TS Kobelev: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô tính chung là 6 năm. Trong 6 năm này, Hồ Chí Minh đã có tình cảm với nhân dân chúng tôi có thể nói là tình cảm anh em. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chúng tôi rất biết ơn nhân dân Liên Xô đã chiến thắng phát xít. Nhờ đó Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam đã giành thắng lợi”. Một điểm rất đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Liên Xô và đã đề nghị ông Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch của Hội này. Vì Hồ Chí Minh cho rằng tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam là điều bảo đảm cho mọi thành công, thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền tảng của tình hữu nghị, anh em giữa nhân dân hai nước chúng ta. Hiện nay, Liên Xô không còn nữa nhưng tình cảm anh em giữa hai nước Việt Nam và Nga vẫn còn tồn tại và phát triển.
PV: Ông từng nói dân tộc Việt Nam rất may mắn khi có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để phát triển hơn nữa, trở thành một nước XHCN hiện đại?
TS Kobelev: Tôi thấy Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lấy Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Tất nhiên, hiện nay tình hình thế giới rất phức tạp không chỉ cho nước Nga mà cho cả Việt Nam. Nhưng nếu Việt Nam tiếp tục làm theo, vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh thì các bạn sẽ càng ngày càng giành được nhiều thắng lợi và thành công.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Công Hân
VOV