1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Học bỏ “nghề” bán dâm

“Muốn bỏ “nghề” mại dâm, tụi em phải học cách từ chối khách hàng, học nhận biết giá trị bản thân… Học xong, em thật sự muốn sống sao cho mọi người đừng khinh rẻ” - Tính, một thanh niên từng “hành nghề” mại dâm, chia sẻ.

Hỗ trợ người mại dâm tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nội dung của chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Có một nơi trao cho những người mại dâm một cơ hội chuyển đổi nghề và nhiều người đã kịp nắm lấy…

 

Sáng 25/8, dậy từ sớm, Vy hồi hộp đến Ủy ban Phòng, chống AIDS TPHCM. Đây là ngày trọng đại trong đời Vy: Lần đầu tiên cô dành dụm được 1 triệu đồng từ công việc lao động chân chính để trả dần cho dự án Tiến lên phía trước do Ủy ban Phòng, chống AIDS TPHCM triển khai từ năm 2010. Đó là số tiền Vy đã vay mượn để làm nghề cắt tóc, đoạn tuyệt với con đường mại dâm.

 

Những ngày không muốn nhớ

 

“Từ khi ba em bị tai nạn giao thông, gia đình em vướng nợ cả trăm triệu đồng. Em nghỉ học, bán cà phê kiếm tiền trả nợ rồi sa ngã, phải bán dâm. Có những ngày em “đi khách” được đến ba, bốn trăm USD. Dù kiếm được nhiều tiền nhưng lúc nào em cũng cảm thấy bất an, phập phồng: sợ bị công an kiểm tra, sợ dính HIV, sợ bị khách bạo hành, sợ họ hàng biết được, sợ tương lai phía trước không lối thoát… Đó là những tháng ngày em không muốn nhớ” - Vy kể.

 

Sau ba năm theo “nghề”, Vy gặp chị đồng đẳng viên tên M. ở dự án Tiến lên phía trước. Chị M. theo thuyết phục cả năm trời Vy mới đồng ý bỏ “nghề”. Vy được hỗ trợ học nghề rồi mở tiệm cắt tóc, trang điểm đã bốn tháng nay. Quá trình đoạn tuyệt với “nghề” của Vy không đơn giản vì cô đang là một người có giá “đi khách” cao ngất trong lứa 8X. Tuy nhiên, Vy quyết tâm bỏ số điện thoại cũ, đổi chỗ ở, cắt đứt mọi mối quan hệ cũ và tập trung theo học nghề mới. Sau quá trình xét duyệt gắt gao, Vy được xét cho vay 30 triệu đồng từ dự án để sang lại một tiệm cắt tóc. Hiện Vy đang học thêm để nâng cao tay nghề.

 

Từ năm ngoái, dự án Tiến lên phía trước đã được triển khai nhằm xây dựng mô hình thí điểm tạo cơ hội cho người mại dâm thay đổi nghề nghiệp một cách bền vững. Thông qua đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng tại TPHCM và sự sàng lọc của các giám sát viên, có 78 người mại dâm muốn nắm bắt nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp này. Qua nhiều lần cán bộ dự án mời đến phỏng vấn, thử thách; chỉ còn 54 người đăng ký học nghề, trong số đó có hơn 20 người là mại dâm nam. Sau khóa học, chỉ còn 27 người đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp và đi làm, trong đó có Vy.

 

Học bỏ “nghề” bán dâm - 1

Bảo Hân khởi lập cuộc sống mới bằng một tiệm làm tóc tại nhà.

 

Học cách sống đừng bị khinh rẻ

 

Có một thực tế không thể phủ nhận ở các đô thị lớn như TPHCM là tình trạng nam có quan hệ tình dục đồng giới không hiếm. Theo các chuyên gia, kết quả giám sát cho thấy tỉ lệ nhiễm HIV trong quan hệ đồng giới nam cao không kém tỉ lệ này trong mại dâm nữ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế - FHI Việt Nam quan hệ đồng giới nam năm 2009, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm mại dâm nam là 16%; ở nhóm quan hệ đồng giới nam không mại dâm, tỉ lệ này là 14%. Do vậy, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người bán dâm không thể bỏ sót đối tượng này.

 

“Muốn bỏ “nghề” mại dâm, tụi em phải học cách từ chối khách hàng, học nhận biết giá trị bản thân… Học xong, em thật sự muốn sống sao cho mọi người đừng khinh rẻ” - Tính, một thanh niên từng “hành nghề” mại dâm, chia sẻ. Tương tự, cuộc đời nhiều “đồng nghiệp” của Tính cũng đã sang trang mới.

 

Chẳng hạn, sau khi học khóa nấu ăn từ dự án, nay anh Tuyên đã mở một tiệm phở tại quận 12. Quán phở của anh mỗi ngày bán được khoảng 100 tô. Bảo Hân cũng đang tô màu sắc tươi sáng cho cuộc đời mình bằng việc mở một tiệm cắt tóc ngay tại nhà ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3. Bảo Hân tâm sự: “Mình mới mở tiệm nên chủ yếu lấy công làm lời. Bà con, hàng xóm đến ủng hộ cũng nhiều”. Bảo Hân còn là giáo dục viên đồng đẳng cho chương trình Bầu trời xanh của MSM. Ban ngày làm ở tiệm, đêm Bảo Hân đến các công viên, cơ sở massage nam tiếp cận những người mại dâm nam để tuyên truyền về cách phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, thuyết phục họ đi xét nghiệm HIV. Nhận thấy người nào quyết tâm bỏ “nghề”, Bảo Hân liền giới thiệu họ đến với dự án để nắm bắt cơ hội hiếm hoi này.

 

Tuy nhiên, không phải ai đến đây cũng đều bỏ được “nghề” cũ. Có người không đủ quyết tâm, có người vì hoàn cảnh gia đình mà không thể vượt qua chính mình. Dẫu con số đó không nhiều nhưng vẫn khiến những người triển khai dự án chạnh lòng.

 

Hơn 300 triệu đồng đã được giải ngân cho những con người dễ bị tổn thương vay để kinh doanh. Số tiền này đang được họ tích lũy trả dần và sẽ tiếp tục giúp những người mại dâm khác có cơ hội làm lại cuộc đời. Chính những người từng “theo nghề” mại dâm giờ đã hình thành nên nhóm “Tự lực” để đi tiếp cận những người đang “hành nghề”, thuyết phục những người này tìm nghề mới. Chính họ đã bầu ra ban điều hành để duyệt cách hỗ trợ và mức độ hỗ trợ cho từng cá nhân. Đến nay, hơn 10 “đồng nghiệp” cũ của họ đã tiếp tục tham gia dự án. Cơ hội được trao và họ đã kịp nắm lấy, vịn vào để bước ra ánh sáng.

 

Sẽ nhân rộng mô hình này

 

Trước khi học nghề, những bạn tham gia dự án Tiến lên phía trước được học các khóa kỹ năng: từ chối khách hàng mua dâm, làm việc nhóm, nhận biết về giá trị bản thân… Họ còn được đào tạo kỹ năng thương thuyết đàm phán, lập kế hoạch kinh doanh… để mở cơ sở kinh doanh. Trong quá trình theo học, ai có trục trặc đều được TS tâm lý Thạch Ngọc Yến tư vấn tâm lý miễn phí. Đến nay, họ vẫn sinh hoạt định kỳ hằng tháng để báo cáo về công việc của mình; nếu có phát sinh khó khăn, chúng tôi sẽ tư vấn và giúp đỡ.

 

Sắp tới, Ủy ban Phòng, chống AISD, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP sẽ ký kết kế hoạch liên tịch nhằm nhân rộng mô hình dự án này để giúp những người mại dâm hoàn lương.

 

Bà NGUYỄN THỊ HUỆ, Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại

(Ủy ban Phòng, chống AIDS TPHCM)

 

Theo Đông Yên

 Pháp luật TPHCM